Ninh Thuận tạo đồng thuận phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới

Nhân sỹ trí thức, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong đồng bào tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt về đoàn kết, vận động bà con thi đua; tiếp tục hiến kế cho tỉnh thực hiện mục tiêu đặt ra.

Cả sư Châu Minh Hương, Hội đồng Sư cả Chăm Bà ni ở huyện Ninh Phước, kiến nghị tỉnh quan tâm tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Cả sư Châu Minh Hương, Hội đồng Sư cả Chăm Bà ni ở huyện Ninh Phước, kiến nghị tỉnh quan tâm tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Sáng 23/10, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị thông tin tuyên truyền, lắng nghe ý kiến nhân dân, các nhân sỹ trí thức, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong tỉnh.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên thông tin khái quát tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ông Nguyễn Long Biên nêu rõ mặc dù bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức tác động, song với sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 8%, xếp vị trí 19/63 tỉnh, thành phố cả nước, đứng thứ 4/14 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng không đạt như kỳ vọng song Ninh Thuận không điều chỉnh mà cố gắng nỗ lực, tiếp tục thực hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để cuối năm 2024 đạt tốc độ tăng trưởng trên 11%, qua đó phấn đấu giai đoạn 2021-2025 đạt từ 11-12% như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đặt ra.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 11% vào cuối năm, Ninh Thuận tiếp tục bám sát và triển khai quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đột phá.

Đặc biệt, tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt 3 khâu đột phá, đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là dự án kết cấu hạ tầng; hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trọng điểm phát triển; khơi thông nguồn lực đất đai và 6 ngành lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư, nhất là đầu tư công, năng lượng, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kinh tế đô thị.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh mong muốn các nhân sỹ trí thức, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong đồng bào tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt về tập hợp, đoàn kết, vận động bà con ra sức thi đua; đồng thời tiếp tục hiến kế hay cho tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra.

Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, Hòa thượng Thích Hạnh Thể phấn khởi cho hay khó khăn và thách thức tác động là không nhỏ nhưng sự nỗ lực của tỉnh trong chỉ đạo, điều hành và đạt kết quả như trên là đáng trân trọng...

Hòa thượng Thích Hạnh Thể tin tưởng rằng với sự nỗ lực của tỉnh, mục tiêu tăng trưởng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đặt ra sẽ đạt kết quả cao.

ttxvn_ninh thuan (3).jpg
Người có uy tín vùng đồng bào Chăm ở huyện Ninh Phước kiến nghị về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trong tỉnh. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ông Trượng Thống, người có uy tín trong đồng Chăm ở thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) bày tỏ phấn khởi trước kết quả tỉnh đạt được. Tuy nhiên, tỉnh cần quan tâm đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt tỉnh cần huy động thêm nguồn lực sớm hỗ trợ, xây dựng và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận ghi nhận và đánh giá cao ý kiến thẳng thắn và đầy tâm huyết của các đại biểu.

Những kiến nghị trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo các huyện, thành phố quan tâm, sớm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn…Tỉnh sẽ rà soát, đánh giá đầu tư sửa chữa, tôn tạo các di tích văn hóa của đồng bào; phát triển hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi phục vụ người dân tốt nhất.

Ủy ban Nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm công tác giải quyết việc làm, hỗ trợ và tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hiện tỉnh còn khoảng 1.600 hộ nghèo, cận nghèo không có nhà ở hoặc có nhà nhưng không đảm bảo. Vấn đề này, tỉnh đang quan tâm và sẽ phát động phong trào thi đua chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo thời gian tới.

ttxvn_ninh thuan (2).jpg
Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ông Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận, đánh giá cao vai trò của các nhân sỹ trí thức, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong đồng bào trong việc góp sức tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Đồng thời mong muốn các đại biểu tiếp tục thể hiện là cầu nối vững chắc trong tuyên truyền, vận động, đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục