Nô lệ thời hiện đại ​- vấn nạn trên toàn cầu, kể cả Anh quốc

Nô lệ thời hiện đại chủ yếu bao gồm các hình thức: lao động cưỡng bức, bóc lột tình dục và giúp việc khổ sai và nạn nhân của nô lệ thời hiện đại có thể là đàn ông, phụ nữ, trẻ em ở mọi lứa tuổi.
Ảnh minh họa.

Nhân dịp hội thảo tại Đà Nẵng giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm của Anh về vấn đề nô lệ thời hiện đại, VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của tác giả Dave Pennant, cán bộ cao cấp thuộc Bộ Nội vụ Anh.

"Cách đây 200 năm, Hạ viện Anh đã ban hành đạo luật mang tính lịch sử quy định buôn bán nô lệ là phi pháp. Tuy nhiên, thật đáng buồn là giờ đây, năm 2017, nạn nô lệ vẫn tồn tại. Nó chưa bị đẩy lùi về quá khứ hay chỉ tồn tại ở một số quốc gia. Nó tồn tại trong thời hiện đại này, tại nước Anh và trên toàn thế giới.

Quy mô loại tội phạm ẩn này ở Anh là rất đáng kể. Cố vấn trưởng về khoa học của Bộ Nội vụ Anh, giáo sư Bernard Silverman, ước tính khoảng 10​.000 đến 13.000 có thể là nạn nhân của nô lệ thời hiện đại tại Vương quốc Anh.

Nô lệ thời hiện đại chủ yếu bao gồm các hình thức: lao động cưỡng bức, bóc lột tình dục và giúp việc khổ sai và nạn nhân của nô lệ thời hiện đại có thể là đàn ông, phụ nữ, trẻ em ở mọi lứa tuổi.

Phụ nữ bị hãm hiếp, đánh đập và bị mua đi bán lại làm gái mại dâm. Người giúp việc trong nhà bị giam cầm và bị ép làm việc mọi lúc bắt kể sang tối mà không được trả công hoặc trả công rất ít.

Chúng ta cần phải ngăn chặn loại tội phạm này và xóa bỏ toàn hoàn nạn nô lệ thời hiện đại. Việc ban hành Luật nô lệ thời hiện đại năm 2015 và bổ nhiệm Cao ủy độc lập phòng chống nô lệ thời hiện đại đầu tiên là những bước đi mang tính cách mạng trong cuộc chiến này của nước Anh.

Luật nô lệ thời hiện đại của Anh là một trong những bộ luật đầu tiên trên thế giới đưa ra những quy định riêng trong phòng chống nô lệ thời hiện đại, thể hiện quyết tâm của chính phủ Anh trong việc loại bỏ hoàn toàn loại tội phạm ghê tởm này.

Để khẳng định quyết tâm, Thủ tướng Anh Theresa May gần đây đã phát biểu: 'Với tư cách là thủ tướng, tôi muốn nước Anh có mặt ở tuyến đầu và đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại nạn nô lệ thời hiện đại và buôn bán người​​' và ​'tôi muốn chuyển một cảnh báo rõ ràng cho những kẻ đang tiếp tay cho nạn nô lệ: chúng tôi sẽ tìm ra các người, tịch thu của cải của các người, truy tố và bỏ tù các người​.​'

Nhưng Vương quốc Anh cũng hiểu rằng trong cuộc chiến này, chúng tôi không thể chiến đấu một mình. Tất cả mọi người cần phải tham gia cuộc chiến kết thúc nạn nô lệ thời hiện đại.

Hiện nay, ước tính có khoảng 45 triệu người đang là nạn nhân của tình trạng nô lệ vô nhân đạo. Năm 2015, các đối tượng có nguy cơ là nạn nhân ở Anh theo thống kê đến từ 102 nước khác nhau.

Năm nước có số người có khả năng là nạn nhân của nô lệ hiện đại nhiều nhất ở Anh là Albania, Nigeria, Việt Nam, Romania và Vương quốc Anh. Đấy chính là lý do vì sao nước Anh nhận rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế nhằm xóa bỏ nô lệ thời hiện đại.

Vương quốc Anh muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Việt Nam nhằm ngăn chặn các cá nhân bị đưa đến Anh và bị bóc lột đồng thời hỗ trợ nạn nhân. Sự hợp tác này được xây dựng trên cơ sở quan hệ hợp tác đã có giữa các cơ quan thực thi pháp luật của Anh và Việt Nam trong thời gian qua nhằm triệt phá các mạng lưới tội phạm đứng sau hình thức buôn bán ghê tởm này.

Tôi sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu của Anh đến tham dự Hội nghị tìm kiếm cơ hội hợp tác trong phòng chống buôn bán người và nô lệ thời hiện đại tại Đà Nẵng vào ngày 29/3. Chúng tôi sẽ gặp gỡ các đại diện của các cơ quan chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc tế và các đoàn ngoại giao trong hội nghị này.

Chúng tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm thực thi hiệu quả trong việc xác định nạn nhân, điều tra và triệt phá tội phạm buôn bán người và nô lệ thời hiện đại. Chúng tôi sẽ thảo luận với những nhà hoạch định chính sách và thực thi pháp luật của Việt Nam về những gì mà chúng tôi cần làm thêm, đẩy mạnh quá trình đàm phán một bản Ghi nhớ về buôn bán người và nô lệ thời hiện đại tạo nên tảng cho sự hợp tác bền chặt hơn nữa giữa hai quốc gia"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục