Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động thế giới khi công bố lệnh cấm đi lại từ Liên minh châu Âu (EU) trong vòng 30 ngày tới, bắt đầu từ ngày 13/3.
Bài phân tích của Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP) cho rằng thông báo của Nhà Trắng đã phủ một bóng mây lên các đại sứ quán các nước châu Âu tại Washington D.C, gây hoang mang cho những công dân Mỹ đang ở nước ngoài và khiến thị trường chứng khoán lao dốc, khi mà Chính quyền Tổng thống Trump dường như sẽ cấm toàn bộ giao dịch thương mại và đi lại với châu Âu.
Mặc dù sau đó Chính quyền Mỹ đã làm rõ những trường hợp du lịch ngoại lệ và nhắc lại rằng thương mại giữa Mỹ và châu Âu sẽ không bị giới hạn bởi lệnh cấm, nhưng thiệt hại xảy ra không thể kéo lại.
Vào thời điểm lẽ ra ông Trump phải đưa một cam kết về xét nghiệm rộng rãi đối với các trường hợp nghi nhiễm bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cập nhật kế hoạch của chính quyền nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh hay đơn giản là trấn an người dân Mỹ, thì ông Trump lại nhân cơ hội để tiếp tục tấn công châu Âu.
[Dịch COVID-19: Mỹ đình chỉ các chuyến bay từ châu Âu trong 30 ngày]
Tổng thống Mỹ đổ lỗi cho châu Âu về sự lây lan của dịch bệnh khi cho rằng: "Châu Âu đã thất bại trong việc tiến hành các biện pháp phòng ngừa tương tự và hạn chế đi lại từ Trung Quốc và các điểm nóng khác. Hậu quả là một số lượng lớn điểm bùng phát mới ở Mỹ là do nguyên nhân bắt nguồn từ những người đi về từ châu Âu."
Tuyên bố này có thể gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao căng thẳng với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ vào thời điểm có thể xấu nhất này. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhanh chóng bày tỏ thái độ phản đối lệnh cấm.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu nói rằng sự bùng phát dịch bệnh là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, không hạn chế đối với bất kỳ châu lục nào và nó đòi hỏi sự hợp tác hơn là hành động đơn phương.
Trong tuyên bố ngày 12/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) không chấp nhận thực tế rằng quyết định của Mỹ siết chặt lệnh cấm đi lại đã được thực hiện một cách đơn phương và không qua tham vấn.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng cho biết EU sẽ tiến hành đánh giá lệnh cấm hoạt động đi lại đối với châu Âu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và nhấn mạnh rằng "cần ngăn chặn tình trạng gián đoạn kinh tế."
Ông Michel cho biết: "Sau khi lệnh cấm đi lại của Tổng thống Trump được công bố, chúng ta sẽ tiến hành đánh giá tình hình. Châu Âu đang triển khai những biện pháp cần thiết để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, hạn chế số người nhiễm bệnh cũng như nghiên cứu phương án hỗ trợ."
Theo bài phân tích, thay vì trấn an người châu Âu và các công dân Mỹ ở nước ngoài, những tuyên bố của ông Trump đã gây ra sự hoang mang lớn khi nhiều người đổ xô đặt vé trước khi lệnh cấm có hiệu lực và các chuyến bay bị hủy bỏ.
Hiện có hàng chục nghìn người châu Âu và người Mỹ đang ở nước ngoài. Riêng tại Đức, có gần 120.000 công dân Mỹ đang định cư tại đây, chưa kể hàng trăm sinh viên và khách du lịch.
Mặc dù Chính quyền Mỹ sau đó đã làm rõ ràng rằng lệnh cấm không áp dụng đối với các công dân Mỹ, rất nhiều người đã quyết định quay trở lại Mỹ càng sớm càng tốt.
Khi các du khách bắt đầu đổ dồn về các sân bay chính, việc đi lại bất ngờ có thể thật sự làm trầm trọng hơn sự lây lan của dịch bệnh. Một số người có thể sẽ không thể thay đổi được lịch trình bay hoặc dời đi trước ngày 13/3, bị mắc kẹt lại nước Mỹ hoặc châu Âu.
Có thể rất nhiều người châu Âu bị mắc kẹt tại Mỹ, nơi họ không thể hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc tiếp cận các hệ thống chăm sóc sức khỏe của các nước thành viên châu Âu.
Nếu một công dân châu Âu bị bệnh nặng ở Mỹ và không được chăm sóc, lúc đó có thể cảm nhận được sự phẫn nộ ở châu Âu. Tất cả những điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng mối quan hệ vốn đang không êm ả giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu.
Lệnh cấm đi lại của Tổng thống Trump không bao gồm nước Anh mặc dù nước này có trường hợp lây nhiễm cao thứ hai ở châu Âu, sau Italy và Bộ trưởng Y tế Anh cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Điều này có nghĩa rằng các công dân châu Âu có thể dễ dàng đi tới Mỹ qua London chừng nào họ không ở khu vực Schengen trong vòng 14 ngày.
Có hai cách giải thích về quyết định không đưa nước Anh vào diện cấm đi lại. Thứ nhất, ông Trump có mối quan hệ tương đối tốt với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Thứ hai, ông Trump có mối quan hệ tài chính sâu đậm với nước Anh.
Có thể châu Âu cũng sẽ sớm trả đũa bằng một lệnh cấm đi lại tương tự. Vào thời điểm hiện nay, nếu lệnh cấm đi lại là hoàn toàn cần thiết, châu Âu có thể sẽ cần một quyết định như vậy từ Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế là ngoại trừ trường hợp Italy, quốc gia đang bị phong tỏa, các nước thành viên khác của châu Âu có ít ca lây nhiễm COVID-19 so với ở Mỹ. Cho đến nay, châu Âu đã chủ động tiến hành xét nghiệm cho các công dân của mình.
Cho dù thế nào, lệnh cấm của Chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục hủy hoại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào một thời điểm quan trọng. Lệnh cấm này cũng sẽ có những tác động kinh tế tiêu cực đối với cả Mỹ và châu Âu.
Hiện Liên minh châu Âu (EU) đang là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Hàng tỷ USD trị giá hàng hóa và dịch vụ xuyên Đại Tây Dương, chiếm khoảng 1/3 thương mại toàn cầu và 40% dịch vụ trên toàn thế giới.
Mặc dù Nhà Trắng đã "đính chính" tuyên bố của ông Trump về việc giao thương không bị giới hạn bởi lệnh cấm, việc hạn chế đi lại cũng khiến cho thị trường bị gián đoạn.
Một tỷ lệ quan trọng hàng hóa từ châu Âu tới Mỹ là qua đường hàng không. Vì vậy, nếu các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương bị hủy bỏ, khả năng giá vận chuyển sẽ tăng đột biến. Ngành hàng không cũng có thể chịu thiệt hại nặng nề khi các hãng bay và các công ty lữ hành buộc phải hủy các chuyến bay.
Chưa kể, tuyên bố của ông Trump có thể sẽ khiến thị trường chứng khoán vốn đang phải hứng chịu những khoản thua lỗ kỷ lục trong tuần này biến động thêm.
Có thể nhìn nhận rằng lệnh cấm đi lại của ông Trump phản ánh quan điểm luôn tìm cách tấn công các đồng minh châu Âu thay vì đoàn kết hay cố gắng tìm ra các giải pháp để đối phó với các thách thức chung.
Tháng trước, ông Trump đã tuyên bố rằng: "Châu Âu đang đối xử tệ bạc với nước Mỹ." Tổng thống Mỹ cũng từng gọi EU là "kẻ thù," cho rằng EU đang tìm cách lợi dụng nước Mỹ.
Cách tiếp cận của ông Trump đối với châu Âu dường như chỉ thúc đẩy chương trình nghị sự gây chia rẽ liên minh xuyên Đại Tây Dương. Vào thời điểm cuộc khủng hoảng toàn cầu này, Mỹ cần thể hiện sự đoàn kết với các đồng minh thân cận nhất, chứ không phải gieo rắc sự chia rẽ và tìm cách tấn công một cách vô cớ./.