Nỗ lực chống nạn săn trộm tê giác tại Nam Phi có hiệu quả

Số lượng tê giác bị những kẻ săn trộm giết hại để lấy sừng tại Nam Phi trong năm 2018 giảm 25% so với năm ngoái, nhờ vào những nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng chức năng.
Tê giác trắng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số lượng tê giác bị những kẻ săn trộm giết hại để lấy sừng tại Nam Phi trong năm 2018 đã giảm 25% so với năm 2017, nhờ vào những nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn sự diệt vong của loài động vật mang tính biểu tượng cho châu Phi này.

Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn nguồn từ Bộ Môi trường Nam Phi cho biết 769 cá thể tê giác đã bị săn trộm tại quốc gia này trong năm 2018 và đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012 số lượng tê giác bị săn trộm trong một năm giảm xuống dưới 1.000 cá thể.

Trong những năm gần đây, ngoài lực lượng kiểm lâm, Nam Phi đã tăng cường huy động nhiều lực lượng như cảnh sát, tình báo và đặc nhiệm cùng tham gia vào cuộc chiến chống nạn săn trộm tê giác.

Ngoài ra, quốc gia này thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông rộng rãi trong nước và quốc tế, từ việc phát hành rộng rãi các ấn phẩm tuyên truyền cho đến sản xuất và bán sừng tê giác bằng nhựa để gắn trên nóc ôtô nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

[Hong Kong tịch thu số lượng kỷ lục sừng tê giác tại sân bay]

Bên cạnh đó, Bộ Môi trường Nam Phi cho rằng việc triển khai các trạm radar di động nhằm kiểm soát các toán săn trộm đã góp phần giảm số lượng tê giác bị giết hại tới 8%, đặc biệt tại những khu vực có mật độ phân bổ cao.

Ngoài ra, số lượng tê giác giảm do nạn săn bắn trộm trong nhiều năm qua cũng được xem là nguyên nhân khiến các đối tượng săn trộm khó tìm mục tiêu hơn.

Theo số liệu của Bộ Môi trường Nam Phi, số lượng tê giác tại Kruger Park - khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Nam Phi và cũng là nơi tập trung mật độ tê giác cao nhất châu Phi - đã giảm gần 50% trong 4 năm qua, từ 9.000 cá thể năm 2014 xuống còn 5.000 cá thể năm 2018.

Riêng trong năm 2014, có 1.215 cá thể tê giác đã bị giết hại riêng tại Nam Phi và trở thành một trong những năm đen tối nhất đối với loài động vật có từ thời tiền sử này.

Nam Phi còn là nơi sinh sống của khoảng 20.000 con tê giác trắng, chiếm tới 80% tổng số tê giác trắng trên toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục