Nỗ lực chống rác thải nhựa: Dần thay đổi ý thức từ những hành động nhỏ

Tại các nhà hàng ăn uống, cửa hàng thời trang, nông sản… trên cả nước, danh sách các cửa hàng xanh cam kết với môi trường ngày càng được nối dài với việc sử dụng sản phẩm hữu cơ, dễ phân hủy.
Ảnh minh họa. (Nguồn: dnaindia)

Chỉ sau một năm phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, những hành động nhỏ khắp nơi đã góp phần thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức từ học sinh, người dân đến doanh nghiệp.

Thay đổi khắp nơi

Dễ nhìn thấy nhất là tại các nhà hàng ăn uống, cửa hàng thời trang, nông sản… ở khắp nơi trên cả nước. Danh sách các cửa hàng xanh chia sẻ cam kết với môi trường ngày càng được nối dài với việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ, dễ phân hủy hoặc sử dụng nhiều lần.

Đặc biệt, nhiều cửa hàng giải khát như Cộng café, Haven book café, Luvuvu café, Thinker & dreamer, Trung Nguyên Legend đều dùng chai thủy tinh thay cốc nhựa, ống hút sản xuất từ mía, cỏ, giấy, inox, sử dụng cốc giấy cho sản phẩm mang đi…

PJ’s Coffee là một trong những chuỗi càphê đi đầu trong việc giảm lượng tiêu thụ nhựa trong hoạt động kinh doanh bằng các sản phẩm thay thế. Cửa hàng Passengers Fruity & Nutty Drink (Thành phố Hồ Chí Minh) đang thử nghiệm thêm loại ống hút bột gạo.

Trong các trường học, bước đầu tạo thành ý thức cho mỗi học sinh nhờ việc không còn bắt buộc phải dùng giấy nylon bọc sách, vở. Học sinh đã biết đến tác hại của chất thải nhựa, tự rèn ý thức gọn gàng, giữ gìn sách, vở, đồ dùng học tập.

Phong trào vận động các cơ sở đoàn, trường học và người dân thu gom các loại phế liệu tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy... để đổi cây xanh hoặc cây trang trí được nhiều nơi thực hiện.

Dự án “Đổi giấy lấy cây, đổi nhựa lấy quà” của các bạn trẻ ở Đà Nẵng ngoài trách nhiệm của người trẻ trước ô nhiễm rác thải nhựa cũng cho thấy một cách thay đổi hành vi khéo léo. Các thành viên của nhóm sẽ chế tác những vật trang trí đẹp mắt, hữu dụng từ chai nhựa, bao bì, giấy... để làm quà đổi khi sinh viên mang rác thải nhựa, giấy đến. Đặc biệt, nhóm trồng những chậu hoa, cây cảnh để trao đổi vì đó là một hành động giúp giảm ô nhiễm môi trường do khói bụi. Từ ý tưởng này, nhiều học sinh trung học phổ thông cũng tận dụng chai lọ bằng nhựa để trồng cây, tạo không gian xanh tại nhà.

[Hà Nội: Phấn đấu giảm 65% tỷ lệ bao bì khó phân hủy tại chợ dân sinh]

Ra đến chợ, nhiều người thay đổi khi dùng làn, túi vải để giảm thiểu phải sử dụng túi nylon dùng một lần.

Bà Trần Thị Thuyên (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Những người có tuổi như tôi cùng rủ nhau mang làn đi chợ, vừa đựng được nhiều đồ, vừa bớt được lượng túi nylon, giảm ô nhiễm môi trường. Tới đây, tôi được biết nếu xả rác thải nhiều sẽ phải trả nhiều tiền. Như thế, mình tiết kiệm dần là vừa."

Phụ nữ nhiều nơi thực hiện các sáng kiến, hành động phù hợp với điều kiện thực tế như phụ nữ Bến Tre vận động tiểu thương ở chợ cam kết hạn chế sử dụng túi nilon truyền thống và thay thế bằng túi nilon tự hủy sinh học.

Nhà thuốc Bệnh viện Bình Dân Thành phố Hồ Chí Minh dùng túi giấy đựng thuốc cho bệnh nhân ngoại trú. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Phụ nữ Quảng Ninh hạn chế sử dụng rác thải nhựa dùng một lần, phân loại rác, tái chế, thu gom chai nhựa, túi nylon đã qua sử dụng để làm vật liệu xây dựng, ghế, bồn hoa sinh thái, túi xách, lẵng hoa, đồ chơi. Phụ nữ thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã tái chế được 2.500 thùng đựng rác sinh hoạt hợp vệ sinh từ những thùng xốp, thùng sơn cũ.

Vào siêu thị, các doanh nghiệp như Co.op mart Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, siêu thị Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội… đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nylon. Nhiều người dân cũng đã quen với cách thức này, giảm sử dụng túi nylon, tăng mua sản phẩm dễ phân hủy.

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã “nói không với rác thải nhựa” bằng việc sử dụng bình nước kim loại thay thế cho chai nước nhựa tại hội nghị, hội thảo. Các địa phương đã chủ động, sáng tạo để thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn với những mô hình “Ngày Chủ nhật xanh,” “Nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần,” “Nhặt một cọng rác bạn đã làm Huế sạch hơn,” “Hãy cho cá xin rác thải nhựa,” “Thử thách dọn rác,” “Thử thách thay đổi” lan truyền mạnh mẽ mang những giá trị, thông điệp thiết thực về bảo vệ, cải thiện, làm sạch môi trường.

Nỗ lực dài hơi

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa hiện tiềm ẩn nguồn gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Lượng chất thải nhựa ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 6-12% trong chất thải rắn sinh hoạt và số lượng tăng dần theo từng năm gây "gánh nặng" cho môi trường. Trong khi đó, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn nên vẫn để lẫn các loại chất thải với nhau trong đó có chất thải nhựa dẫn đến hiệu quả tái chế và xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.

Rác thải nhựa tập kết khắp nơi. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Với kế hoạch dài hơi, từ cuối năm 2019, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ để quản lý, hạn chế, giảm thiểu, xử lý rác thải nhựa đại dương.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến đến năm 2030 sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương. 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển. 100% khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. 100% khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung chỉ đạo xây dựng các đề án “Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương." Tổng cục Môi trường hoàn thiện đề án “Tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” nhằm rà soát, đề xuất việc hoàn thiện các quy định, chính sách hiện hành, hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích tái chế rác thải, rác thải nhựa; hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất các loại túi nylon khó phân hủy; tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là các địa phương có biển để triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường biển…

Bộ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng để giảm thiểu việc sử dụng rác thải nhựa một lần và các loại túi nylon khó phân hủy, trong đó hạn chế, giản thiểu rác thải nhựa tác động đến môi trường biển.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2014 (sửa đổi) đã bổ sung nội dung giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương…

Cơ sở sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa hoặc sản phẩm có bao bì nhựa thực hiện trách nhiệm thu hồi, tái chế sản phẩm nhựa, bao bì nhựa phát sinh từ sản phẩm, hoặc có trách nhiệm đóng góp tài chính cho thu gom, xử lý chất thải theo quy định.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên sông và trên biển thuộc địa bàn quản lý; chỉ đạo ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tổ chức thu gom, xử lý chất thải nhựa trên địa bàn; tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, đơn vị phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị và người dân hạn chế sử dụng túi nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần để bảo vệ môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục