Nội bộ Mỹ bất đồng về kế hoạch thành lập quân đội vũ trụ

Trong khi nhiều nghị sỹ Cộng hòa đã bày tỏ ủng hộ đối với kế hoạch trên, thì các nghị sỹ Dân chủ coi việc xây dựng Lực lượng vũ trụ là không cần thiết, lãng phí tiền bạc.
Nội bộ Mỹ bất đồng về kế hoạch thành lập quân đội vũ trụ ảnh 1Máy bay chiến đấu Apache của quân đội Mỹ tới căn cứ không quân ở Ramstein, miền tây Đức ngày 22/2/2017. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 9/8 đã công bố chi tiết kế hoạch đầy tham vọng về việc thành lập Lực lượng vũ trụ, quân chủng thứ 6 của nước này, vào năm 2020, nhằm tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa an ninh mới nổi.

Tuy nhiên, kế hoạch này cũng đang vấp phải sự chỉ trích của chính giới Mỹ.

Phát biểu tại một sự kiện ở Lầu Năm góc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định "đã đến lúc viết nên một chương lớn tiếp theo trong lịch sử các lực lượng vũ trang," chuẩn bị "cho trận đánh tiếp theo" nhằm ngăn chặn và đẩy lùi những mối đe dọa thế hệ mới đối với người dân và nước Mỹ.

Ông cũng nhắc lại việc Tổng thống Donald Trump đề nghị Quốc hội đầu tư thêm 8 tỷ USD cho các hệ thống an ninh vũ trụ Mỹ trong 5 năm tới.

Bên cạnh đó, Phó Tổng thống Mỹ cũng vạch ra một loạt bước đi của Lầu Năm góc trước khi Lực lượng vũ trụ đi vào hoạt động, trong đó có việc thành lập Bộ Chỉ huy vũ trụ Mỹ - một cơ quan bao gồm các lực lượng trong quân đội Mỹ hiện nay, đồng thời đề nghị Quốc hội Mỹ cần hành động ngay để thiết lập ngân quỹ cho lực lượng này.

Ông cho biết chính phủ sẽ hợp tác với quốc hội và đưa ra dự thảo ngân sách vào năm 2019.

Ngay sau khi Phó Tổng thống Mỹ đưa ra phát biểu trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố trên trang mạng Twitter về tính cấp thiết của việc thành lập Lực lượng vũ trụ.

Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng thành lập một lực lượng vũ trụ "tách biệt nhưng ngang hàng."

Đề xuất về việc thành lập Lực lượng vũ trụ cần được Quốc hội Mỹ thông qua. Nếu được thành lập, Lực lượng vũ trụ sẽ chịu trách nhiệm một loạt năng lực quan trọng của quân đội Mỹ trong lĩnh vực vũ trụ, từ các vệ tinh phát tín hiệu của Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) tới các thiết bị cảm biến theo dõi các vụ phóng tên lửa.

Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng quân chủng mới có thể làm nảy sinh tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ.

Trong khi nhiều nghị sỹ Cộng hòa đã bày tỏ ủng hộ đối với kế hoạch trên, thì các nghị sỹ Dân chủ coi việc xây dựng Lực lượng vũ trụ là không cần thiết, lãng phí tiền bạc, ảnh hưởng đến các ưu tiên khác.

Các nghị sỹ Dân chủ cho rằng những trọng trách của Lực lượng vũ trụ vốn đã được các tổ chức và lực lượng như Không quân thực hiện.

[Mỹ khẳng định tầm quan trọng của việc lập lực lượng quân đội vũ trụ]

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cũng từng lên tiếng phản đối việc thành lập thêm một lực lượng mới đầy tốn kém. Tuy nhiên, ngày 9/8, ông cho biết Lầu Năm góc đang hợp tác chặt chẽ với Văn phòng của Phó Tổng thống Pence trong vấn đề này.

Ông cũng lên tiếng ủng hộ các bước nhằm tái cơ cấu các lực lượng chiến đấu ngoài vũ trụ của quân đội cũng như việc thiết lập một bộ chỉ huy mới.

Cùng ngày, Lầu Năm góc đã gửi báo cáo lên Quốc hội Mỹ công bố chi tiết các bước đi nhằm đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Trump.

Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ quân đội nước này đang đối mặt với những nguy cơ nào trong vũ trụ do các đối thủ hiện đang theo đuổi năng lực "phản công không gian" nhằm vô hiệu hóa các vệ tinh của Mỹ trong cuộc xung đột, như làm nhiễu và tấn công các vệ tinh.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Washington thực thi các chính sách và nguyên tắc nhằm bảo vệ các lợi ích của mình.

Vai trò của quân đội Mỹ đang bị đánh giá lại vì thực tế cường quốc số 1 thế giới này đang ngày càng phải lệ thuộc vào các vệ tinh trong không gian - vốn khó có thể bảo vệ.

Các vệ tinh này cung cấp việc liên lạc, theo dõi, tình báo và các dịch vụ khác có vai trò sống còn đối với quân đội và kinh tế quốc gia.

Trong khi đó, các cơ quan tình báo Mỹ hồi đầu năm cho biết nhiều nước đang theo đuổi việc phát triển các vũ khí chống vệ tinh để có thể sử dụng trong một cuộc chiến tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.