Nội bộ Mỹ vẫn tranh cãi về đối sách với Trung Quốc ở Biển Đông

Theo giới quan sát, nội bộ Mỹ tồn tại bất đồng quan điểm giữa giới tướng lĩnh - vốn chủ trương phản ứng mạnh hơn để răn đe Trung Quốc, với giới chính trị và ngoại giao không muốn gây sứt mẻ quan hệ.
Nội bộ Mỹ vẫn tranh cãi về đối sách với Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1Tàu Trung Quốc xuất hiện trái phép trong các vùng nước xung quanh Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Reuters)

Theo Đài RFI, trong thời gian gần đây, phản ứng của chính quyền Mỹ đối với các hành động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông đã cứng rắn hơn một cách rõ rệt.

Tuy vậy, theo một số nhà quan sát, nội bộ chính quyền Mỹ vẫn tồn tại những bất đồng quan điểm giữa giới tướng lĩnh - vốn chủ trương phản ứng mạnh hơn để răn đe Trung Quốc, với giới lãnh đạo chính trị và ngoại giao không muốn gây sứt mẻ trong quan hệ với Bắc Kinh.

Trong bài phân tích đăng trên mạng ngày 31/7, tờ báo Mỹ chuyên về chính trị Politico đã nêu bật quan điểm chung của Washington hiện nay là Hải quân Mỹ cho tàu thuyền hoặc máy bay tiến vào vùng biển xung quanh hay không phận bên trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh vừa bồi đắp tại khu vực Trường Sa.

Theo giới quan sát, mặc dù quan điểm chung là như vậy, nhưng trong hành động thực tế thì tình hình có khác, và hiện nay một số chỉ huy cao cấp của Hải quân Mỹ trên hiện trường có mâu thuẫn với giới lãnh đạo tại Washington về việc nên hay không nên cho tàu hải quân tiến hẳn vào bên trong những khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Một số lãnh đạo quân đội Mỹ cho rằng cần phải chứng tỏ bằng hành động cụ thể quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, trong lúc các quan chức chính phủ hay các lãnh đạo ngoại giao thì lại dè dặt hơn vì muốn xử lý tốt một giai đoạn khá tế nhị trong quan hệ Mỹ-Trung.

Trả lời báo Politico, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, đã không ngần ngại tố cáo thái độ dè dặt của chính quyền: "Chúng ta tiếp tục giới hạn hoạt động của Hải quân Mỹ ở bên ngoài vùng 12 hải lý xung quanh các đảo đá đã được Trung Quốc cải tạo một cách trái phép. Đây là một sai lầm nguy hiểm bởi đó là một sự mặc nhiên công nhận các yêu sách chủ quyền nhân tạo của Trung Quốc."

Theo báo Politico, các nguồn tin từ quân đội và từ chính quyền Mỹ cũng đã thừa nhận rằng các bất đồng quan điểm nói trên thực sự tồn tại, và tranh luận đã nổi lên trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sẽ có dịp gặp nhau vào tuần tới trong khuôn khổ các hội nghị của khối ASEAN tại Kuala Lumpur, và đặc biệt trong trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ công du Mỹ trong tháng Chín./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.