Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với sự "nổi loạn" từ ngay chính các nghị sỹ có quan điểm thân châu Âu trong đảng Bảo thủ của bà liên quan đến kế hoạch của chính phủ đưa việc ấn định thời điểm nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, thành luật.
Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 10/11, Chính phủ Anh đã đưa ra dự thảo bổ sung điều luật về việc ấn định chính thức thời điểm Anh rời khỏi EU vào 11 giờ đêm ngày 29/3/2019 trước khi Dự luật (Rút khỏi) EU được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện trong tuần tới.
Cùng ngày, trong bài viết đăng trên tờ Telegraph, Thủ tướng Anh đã cảnh báo sẽ không chấp nhận những ý đồ nhằm “ngừng lại hoặc trì hoãn” Brexit bằng cách ngăn chặn dự luật nói trên được thông qua tại Quốc hội.
Kế hoạch trên của Chính phủ Anh đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các nghị sỹ Bảo thủ “nổi loạn.”
[Thủ tướng Anh đưa ra thông điệp cứng rắn về việc rời EU]
Những nghị sỹ có tư tưởng thân EU này cho rằng điều khoản bổ sung của Chính phủ vào Dự luật (Rút khỏi) EU sẽ “trói tay” nước Anh và có thể cản trở việc đạt được một thỏa thuận có lợi trong trường hợp cần có thêm thời gian để đàm phán.
Theo những nghị sỹ trên, việc luật hóa thời điểm rời EU chỉ là cách của chính phủ nhằm “lấy lòng” những nghị sỹ ủng hộ Brexit đang đe dọa sẽ ủng hộ một số yêu cầu sửa đổi bổ sung do Công đảng đối lập đề xuất.
Những thông tin về sự chia rẽ trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền về dự luật Brexit xuất hiện trong bối cảnh ngay cả “kiến trúc sư” của Điều khoản 50 về việc chấm dứt tư cách thành viên của một nước trong EU cũng cho rằng có thể “đảo ngược” tiến trình Brexit, trong khi những nghị sỹ theo đường lối ở lại EU được cho là đang lên kế hoạch phát động một “chiến dịch nghĩ lại” để ngăn chặn việc Anh rời khỏi EU.
Ông John Kerr, cựu Đại sứ của Anh tại EU từng tham gia soạn thảo Điều 50 Hiệp ước Lisbon, cho rằng việc Thủ tướng Anh May quyết định gửi thư kích hoạt Điều 50 cũng không có nghĩa rằng Brexit không thể tránh khỏi.
Theo nhà ngoại giao kỳ cựu này, nếu muốn thì nước Anh có thể đổi ý định này bất kỳ lúc nào và châu Âu sẽ đồng ý.
Ông Gordon Brown, cựu Thủ tướng Anh thuộc Công đảng, cũng trở thành nhân vật có tên tuổi mới nhất trong chiến dịch “Ở lại” lên tiếng cho rằng nước Anh có thể tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit.
Trước đó, một cựu Thủ tướng thuộc Công đảng khác là ông Tony Blair và Nick Clegg, cựu Phó Thủ tướng thuộc đảng Dân chủ Tự do, cũng đã tuyên bố ủng hộ Anh ở lại EU./.