Nỗi đau khôn cùng của những người hít phải khói thuốc lá thụ động

Dù không trực tiếp hút nhưng do hít phải khói thuốc của người khác, nhiều người đã phải sống cùng những căn bệnh quái ác suốt cả cuộc đời...
Chị Tình là một trong rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm, nạn nhân của hút thuốc thụ động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một năm trước, chị Lê Thị Tình (Thanh Hóa) như chết lặng người khi đón nhận tin dữ mình đã mắc ung thư phổi. Nhiều đêm, chị lặng lẽ quay mặt về một phía, những giọt nước mắt tuôn rơi vì lo cho các con khi không còn ai để chăm sóc, để chở che…

Khói thuốc làm hại tới hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể

Tháng 5/2020, khi thấy người gầy rạc, cơ thể không được khoẻ cùng những cơn ho đến nhiều và dồn dập, chị Tình tới Bệnh viện Phổi Trung ương khám bệnh. Sau khi làm hết các xét nghiệm, chị được bác sỹ thông báo mắc ung thư phổi giai đoạn 3.

Khi đó, chị cứ mơ hồ, không hiểu bởi mình chưa bao giờ hút thuốc lá, thuốc lào. Nhưng chỉ vài phút sau, khi bác sỹ hỏi tiền sử bản thân và gia đình chị có ai thường xuyên hút thuốc không thì chị mới nhớ ra có chồng và bố khi còn sống đều hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm. Đó cũng là yếu tố ảnh hưởng, nguyên nhân khiến chị mắc căn bệnh ung thư quái ác.

Đối với chị Tình, ung thư phổi chẳng khác nào một án tử hình.

Câu chuyện của chị Tình chỉ là một trong rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm nạn nhân của hút thuốc thụ động. Bao năm qua, hút thuốc thụ động đã cướp đi sinh mạng của biết bao người.

[WHO: Người hút thuốc lá có khả năng mắc COVID-19 cao gấp 1,5 lần]

Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Thị Lệ Quyên - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho hay có nhiều bệnh nhân đến trung tâm khám vì bệnh hô hấp. Trong đó, có nhiều trường hợp có liên quan đến khói thuốc mà bản thân họ chưa bao giờ hút. Những trường hợp như trường hợp của chị Tình có khá nhiều và có nhiều trường hợp khác rất đáng thương là khi phát hiện ra bệnh của họ đã ở giai đoạn cuối.

Bác sỹ Quyên dẫn chứng thêm về một trường hợp nữ bệnh nhân 36 tuổi ở Hà Nội cũng mắc ung thư phổi do ảnh hưởng của khói thuốc lá, thuốc lào. Qua khai thác, các bác sỹ được biết từ khi bệnh nhân còn nhỏ, trong gia đình có bố hút thuốc thường xuyên. Tới khi lập gia đình, chị thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc của chồng. Thời điểm phát hiện ra bệnh ung thư phổi cũng đã ở giai đoạn muộn.

Hoặc, ở trường hợp một nam thanh niên mới 26 tuổi ở Nghệ An nhưng đã mắc ung thư phổi. Ở thời điểm phát hiện, khối ung thư của nam thanh niên trên đã di căn màng phổi, di căn hạch ở cổ.

“Đây là trường hợp có hút thuốc lá từ năm 11 tuổi, trong gia đình của bệnh nhân có ông và bố hút thuốc. Do đó, có thể khi bạn ấy mới sinh ra đã tiếp xúc với khói thuốc. Khi phát hiện ra ung thư, thanh niên đó đã hút thuốc được khoảng 15 năm. Đây là trường hợp bệnh nhân vừa là nạn nhân của hút thuốc lá thụ động vừa là chủ động,” bác sỹ Quyên nhấn mạnh.

Chị Lê Thị Tình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bác sỹ Quyên phân tích, khói thuốc lá làm hại tới hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể của con người và là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Không chỉ người hút thuốc lá chủ động mà những người không hút nhưng hít phải khói thuốc lá do người khác thải ra cũng phải chịu những tác hại do khói thuốc lá gây ra.

Việt Nam có 6.000 người chết vì liên quan hút thuốc thụ động mỗi năm

Phân tích về tác hại của việc hít phải khói thuốc lá, thuốc lào, bác sỹ Quyên cho hay có nhiều bằng chứng cho thấy hút thuốc lá thụ động gây ra bệnh tật và tử vong tương tự như những người hút thuốc lá chủ động.

Với trẻ em, việc phải hít phải khói thuốc làm tăng nguy cơ về hen phế quản, các đợt cấp nặng của hen phế quản cũng như tăng bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp, viêm tai giữa…

Trong khi đó, phụ nữ mang thai hít khói thuốc thường xuyên làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Người lớn hít phải khói thuốc dễ mắc các bệnh lý về mạch vành, ung thư phổi, tăng nguy cơ từ 20-25% so với những người không hít phải.

Bác sỹ Quyên cũng lưu ý: “Không có ngưỡng an toàn với việc hút thuốc lá thụ động. Nghĩa là, những người hút thuốc lá thụ động, dù chỉ là tiếp xúc, phơi nhiễm trong thời gian ngắn cũng gây hại cho sức khỏe.”

Thạc sỹ, bác sỹ Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay hút thuốc thụ động là hít phải (hay còn gọi là phơi nhiễm) khói thuốc từ đầu điếu đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn các hóa chất, độc hại. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên sống, làm việc trong môi trường có khói thuốc lá cũng mắc các bệnh như người hút thuốc.

Theo thống kê của ngành y tế, hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi tại Việt Nam. Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khói thuốc có thể tồn tại ở khắp mọi nơi và đặc biệt không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu đa phần là phụ nữ và trẻ em.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu, mỗi năm có 1,2 triệu ca tử vong vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá thụ động. Trong đó có gần 760.000 phụ nữ và 180.000 trẻ em.

Tại Việt Nam, WHO ước tính mỗi năm có gần 6.000 người chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá thụ động.

Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Hải cho hay nhằm giảm thiểu những tác hại của thuốc lá gây ra, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2013. Sau hơn 7 năm thực hiện Luật, với sự phối hợp của các bộ ngành, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt nhiều kết quả. Hiện nay, tình trạng hút thuốc lá thụ động ở các địa điểm công cộng đã giảm một cách rõ rệt, đặc biệt những sự kiện trong xã hội như đám cưới, đám ma, hội họp, hội thảo… góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Năm 2020-2021, tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies tiếp tục đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) thực hiện các chiến dịch nhằm tuyên truyền hãy từ bỏ thuốc lá vì sức khỏe của người thân.

Người hút thuốc lá hay thuốc lào đều đã mất, nỗi đau để lại cho gia đình càng lớn hơn nhiều. Chiến dịch mong muốn tăng cường nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ, về tác hại của khói thuốc lá thụ động đồng thời khuyến khích những người phụ nữ lên tiếng bảo vệ bản thân và người thân khỏi thuốc lá thụ động, khuyên những người xung quanh từ bỏ thuốc lá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục