Việc Novak Djokovic phải rời Australia sau quyết định của Tòa án Liên bang Australia không chỉ chặn lại giấc mơ chinh phục danh hiệu Grand Slam lần thứ 21 của tay vợt này, mà còn khiến các hãng tài trợ cho ngôi sao quần vợt người Serbia phải đánh giá lại mối quan hệ trong thời gian tới.
Trong sự nghiệp của mình, cây vợt 34 tuổi kiếm được hơn 150 triệu USD từ các nhãn hàng tài trợ.
Theo Forbes, chỉ riêng trong năm 2021, các hợp đồng quảng cáo đã mang về cho Djokovic khoảng 30 triệu USD.
[Novak Djokovic nói gì sau phán quyết trục xuất khỏi Australia?]
Danh sách các nhãn hàng tài trợ cho tay vợt này trải dài từ hãng thể thao nổi tiếng Asics của Nhật Bản tới hãng xe Peugeot của Pháp, trong đó hợp đồng quần áo thi đấu với hãng Lacoste được xem là có giá trị nhất, trị giá khoảng 9 triệu USD.
Tuy nhiên, mức thu nhập từ các hợp đồng quảng cáo của Djokovic chưa bằng những đồng nghiệp. Roger Federer thu về 90 triệu USD trong năm 2021, trong khi Naomi Osaka kiếm được 55 triệu USD.
Một số chuyên gia nhận định tính khí của Djokovic cùng những sai lầm đáng trách, như việc bị truất quyền thi đấu tại US Open 2020 khi đánh bóng vào trọng tài nữ, khiến các nhãn hàng luôn phải cẩn trọng.
Ông Patrick Rishe, giáo sư về kinh tế thể thao tại Đại học Washington, nhận định: "Có ấn tượng rằng cậu ấy không dễ mễn như Federer hay Nadal."
Và mùa giải mới trong năm 2022 của Djokovic bắt đầu bằng sự cố tại Australia Open.
Ngày 16/1, Tòa án Liên bang Australia nhất trí giữ quyết định hủy bỏ thị thực của Novak Djokovic, tay vợt số 1 thế giới này đã cay đắng trở thành cựu vương của Australia Open ngay 1 ngày trước khi giải bắt đầu.
Không những thế, anh còn bị trục xuất khỏi Australia cùng với tổn thất lớn về hình ảnh.
Vụ việc của Djokovic đã làm dấy lên những tranh cãi trong suốt thời gian qua, thậm chí là các nhãn hàng cũng phải lên tiếng, có bên ủng hộ, cũng có bên tỏ ra thận trọng.
Hãng sản xuất đồng hồ Hublot của Thụy Sĩ bình luận: "Novak Djokovic có quyết định của riêng mình, chúng tôi không thể đưa ra bình luận. Hublot sẽ tiếp tục mối quan hệ đối tác với tay vợt số 1 thế giới."
Trong khi đó, Ngân hàng Raiffeisen của Áo tỏ ra thận trọng hơn khi khẳng định "đang theo dõi tình hình."
Ông Josh Schwartz - Giám đốc công ty chuyên về marketing thể thao PIVOT của Mỹ - nhận định rằng dựa vào tình hình dịch COVID-19 và cảm xúc của cổ động viên môn quần vợt lúc này, có nguy cơ vụ việc của Djokovic tại Australia Open sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng. Ông nói: "Tình hình khá phức tạp. Việc cậu ấy bị trục xuất là một vấn đề không nhỏ"./.