Từ nửa đêm đến sáng 21/1, ngọn núi lửa Merapi của Indonesia đã liên tục phun dung nham nóng sáng.
Nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Trung Java và Yogyakarta, Merapi là ngọn núi lửa năng hoạt động nhất tại Indonesia và phun trào thường xuyên từ năm 1548. Triền núi hiện là nơi cư ngụ của hàng nghìn dân cư với làng mạc rải rác lên đến cao độ 1.700m.
Dựa trên phân tích hình thái mái vòm dung nham của núi lửa, Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ thiên tai địa chất (BPPTKG) cho biết khối lượng dung nham rơi xuống ước đạt 439.000m3, với tốc độ tăng 3.400m3 mỗi ngày, thấp hơn so với tuần trước.
[Indonesia: Núi lửa Merapi lại hoạt động gây ảnh hưởng tới người dân]
Tuy nhiên, BPPTKG tuyên bố không rõ hướng phát triển của dòng dung nham, vì núi lửa bị một đám mây che phủ.
Trung tâm này tiếp tục duy trì cảnh báo nguy cơ núi lửa phun trào ở cấp 2 trong hệ thống cảnh báo gồm 4 cấp của Indonesia, đồng thời kêu gọi cư dân địa phương tránh xa bán kính 3km tính từ đỉnh núi lửa.
Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) khuyến cáo người dân sinh sống ở bờ biển phía Tây Nam của tỉnh Aceh cần đề phòng nguy cơ thủy triều lớn có thể xuất hiện do hiện tượng siêu trăng. Đây là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng ở vị trí gần Trái Đất nhất.
Trạm Khí tượng Meulaboh-Nagan Raya của BMKG dự báo hiện tượng này sẽ kéo dài đến ngày 22/1, có thể ảnh hưởng đến thủy triều ở một số khu vực của Indonesia, đặc biệt phía Tây Nam tỉnh Aceh và gây gián đoạn giao thông ở các vùng ven biển.
Do đó, BMKG kêu gọi người dân khu vực ven biển phía Tây Nam Aceh luôn cảnh giác và liên tục theo dõi cập nhật thông tin thời tiết./.