AFP/Reuters/RFI đưa tin càng gần đến thời điểm Mỹ-Hàn tập trận chung (dự kiến bắt đầu từ ngày 5/8 và sẽ kéo dài 16 ngày), nhịp độ Triều Tiên phóng tên lửa càng có vẻ dồn dập hơn.
Theo Đài RFI, từ tháng 5/2019 đến nay, Triều Tiên đã 3 lần phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Truyền thông Triều Tiên cho biết đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát vụ phóng 2 tên lửa hôm 25/7.
Cũng tuần trước, truyền thông Triều Tiên cho hay đích thân ông Kim Jong-un đã đến thị sát một chiếc tàu ngầm mới có khả năng mang theo tên lửa đạn đạo.
Đây là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng vẫn phát triển chương trình tên lửa đạn đạo được phóng đi từ tàu ngầm.
Chưa đầy một tuần sau, Triều Tiên lại bắn tên lửa về phía biển Nhật Bản (Seoul và Bình Nhưỡng gọi là biển Đông Triều Tiên).
Theo giới chuyên gia, những động thái này thể hiện sự bất bình của Bình Nhưỡng trước việc Seoul mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ và đang chuẩn bị tập trận chung với nước này.
Lời cảnh báo của Triều Tiên
Chính quyền Kim Jong-un chưa lên tiếng về hành vi khiêu khích mới này, nhưng vụ phóng tên lửa sáng 31/7 diễn ra đúng vào lúc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegen đang có mặt tại Bangkok (Thái Lan) để tham dự diễn đàn an ninh với các nước Đông Nam Á.
Trong khi đó, ngoại trưởng Triều Tiên vắng mặt trong sự kiện ngoại giao diễn ra tại thủ đô Thái Lan này.
[Ông Trump gọi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là "rất tiêu chuẩn"]
Hãng tin AFP dẫn nhận định của chuyên gia Harry Kazianis thuộc Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia tại Washington cho rằng vụ phóng tên lửa là lời cảnh báo của Triều Tiên gửi tới Mỹ và Hàn Quốc, rằng 2 nước này nên ngừng các cuộc tập trận, nếu không Bình Nhưỡng “sẽ khiến căng thẳng gia tăng đến mức sục sôi.”
Chuyên gia này dự báo Bình Nhưỡng sẽ còn tiến hành thêm nhiều vụ thử nữa trước khi các cuộc tập trận bắt đầu vào tuần tới và cả sau này.
Ông nói: “Một câu hỏi duy nhất đặt ra là: liệu chế độ Kim có dám thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hay một tên lửa tầm xa có khả năng phóng tới lục địa Mỹ hay không?”
Trong khi đó, Jeong Yong-tae, Giám đốc Viện Nghiên cứu Triều Tiên, nhận định rằng với các vụ thử tên lửa tầm ngắn này, Bình Nhưỡng muốn gây sức ép để Washington “có thiện chí hơn khi bước vào bàn đàm phán và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của họ.”
Theo Đài RFI, trước đó chỉ vài ngày, một quan chức Triều Tiên được đài truyền hình Mỹ CNN dẫn lời cho biết đối thoại Mỹ-Triều về hạt nhân “sắp được nối lại trong tương lai không xa.”
Nhưng đến ngày 30/7, trên đường đến họp tại Bangkok, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo lại không mấy lạc quan khi nói rằng ông “không biết khi nào” hai bên sẽ gặp lại nhau và hy vọng rằng thời gian chờ đợi sẽ “không quá lâu.”
Đồng thời, ngoại trưởng Mỹ thận trọng nhận định tiến trình đàm phán “cần nhiều thời gian."
Ông Stephen Biegen, Đặc sứ Mỹ về vấn đề Triều Tiên, cho biết cuối tháng 6/2019, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại đường biên giới liên Triều, nguyên thủ hai nước đã cam kết nối lại đàm phán trong “một vài tuần lễ nữa.”
Một tháng đã trôi qua. Đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng không mấy tiến triển.
Chuyên gia Henri Feron, nghiên cứu sinh kỳ cựu tại Trung tâm Chính sách Quốc tế tại Washington, được hãng tin Reuters dẫn lời bình luận rằng Mỹ và Hàn Quốc cần xem xét việc tạm hoãn các vụ tập trận, hoặc đề xuất những giải pháp khác nhằm giảm bớt căng thẳng.
Ông nói: “Tôi cho rằng có nguy cơ cao là các cuộc đối thoại sẽ sụp đổ hoàn toàn nếu Washington và Seoul tiếp tục phớt lờ những quan ngại của Bình Nhưỡng về các vụ tập trận của mình."
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cũng bình luận rằng Triều Tiên sẽ bạo gan gây sức ép một cách đầy khiêu khích để đạt được sự nhượng bộ của Mỹ trong bối cảnh ông Trump thể hiện sự háo hức rõ ràng trong việc duy trì đàm phán với Bình Nhưỡng để đảm bảo một thành công về chính sách ngoại giao trước thềm chiến dịch tái tranh cử năm 2020.
Kim Jong-un đã hết kiên nhẫn?
Xung quanh các động thái dồn dập mà Bình Nhưỡng thực hiện trong thời gian qua, Đài RFI đặt câu hỏi: liệu có phải ông Kim Jong-un đã hết kiên nhẫn?
Thứ nhất, Bình Nhưỡng từng đe dọa rằng đợt tập trận chung Mỹ-Hàn lần này sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán hạt nhân Triều Tiên.
Tuy vậy, theo nhận định của Giám đốc Viện Nghiên cứu Triều Tiên Jeong Young-tae được hãng tin AP trích dẫn, tới nay, Bình Nhưỡng chỉ bắn tên lửa tầm ngắn, tránh để hành động khiêu khích đi quá xa, vĩnh viễn đóng cửa đối thoại với ông Trump.
Vẫn theo chuyên gia này, mục tiêu thứ hai mà Triều Tiên nhắm tới có lẽ chỉ là gây áp lực với Mỹ, nhưng tránh chọc giận Washington. Mọi người đều nhận thấy ông Trump thường tỏ ra kiên nhẫn và độ lượng với ông Kim Jong-un.
Tuần trước, Nhà Trắng nhanh chóng cho rằng vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng không phải là một lời “cảnh cáo nhắm vào Mỹ,” mà ngay giữa hai nước Triều Tiên cũng có những xung khắc với nhau.
Tờ báo uy tín tại Hàn Quốc Korea Times cho rằng đánh giá này của Washington là “một sự ngây thơ quá đáng,” thậm chí là nguy hiểm bởi ông Trump gián tiếp để yên cho ông Kim Jong-un thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn chừng nào an ninh của Mỹ không bị đe dọa, nhưng còn an ninh của các đồng minh châu Á của Mỹ, của khoảng 30.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc thì sao? Mọi con mắt đang hướng về Washington, chờ đợi phản ứng của Nhà Trắng./.