Theo trang worldometers.info, tính đến 6h sáng 31/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 45.854.725 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1.192.609 ca tử vong và 33.195.892 ca đã hồi phục.
Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga, Pháp là năm nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19.
Mỹ có thêm 1 triệu ca mắc mới sau 2 tuần
Nước Mỹ ngày 30/10 ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc COVID-19, tăng 1 triệu ca chỉ sau 2 tuần.
Kể từ giữa tháng Chín, báo cáo thống kê số ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã cho thấy số ca có chiều hướng gia tăng và ngày 29/10 được ghi nhận là ngày có số ca tăng cao kỷ lục với 88.500 ca nhiễm mới.
Tình hình đại dịch trở nên nghiêm trọng hơn ở hầu hết các bang trên nước Mỹ, nhất là ở những bang đã từng là "tâm dịch" mới cách đây vài tháng.
Theo Wall Street Journal, tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc ngày 30/10 với chỉ số công nghiệp Dow Jones khi đóng phiên giao dịch đã xuống mức thấp nhất của tuần và cũng là mức thấp nhất của tháng, kể từ tháng Ba tới nay. Điều này cho thấy các nhà đầu tư lo ngại tình hình dịch bệnh có thể dẫn đến lại đóng cửa nền kinh tế và tiếp tục đe dọa tăng trưởng kinh tế.
Số ca mắc COVID-19 ở Mỹ tăng gấp đôi chỉ trong vòng ba tháng vừa qua và các chuyên gia y tế thậm chí còn cho rằng số liệu thống kê như vậy vẫn chưa đầy đủ do những ngày mới xảy ra dịch nhiều nơi chưa có điều kiện tổ chức xét nghiệm diện rộng ngay. Số ca nhập viện ở nhiều bang cũng tăng cao kỷ lục và tổng số ca nhập viện trên toàn nước Mỹ ngày 29/10 là 46.095 ca, tăng 50 % so với hai tuần trước đó.
Bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, ngày 30/10, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã cho phép các du thuyền, tàu du lịch được hoạt động trở lại kể từ ngày 31/10/2020.
Chính phủ Mỹ buộc phải để các công ty hoạt động trở lại với một số điều kiện nhất đinh bởi ngành du lịch nói chung và dịch vụ tàu du lịch, du thuyền nói riêng đã thua lỗ hàng tỷ USD kể từ khi bị chấm dứt hoạt động sau khi đại dịch bùng phát hồi tháng Ba.
Cũng trong ngày 30/10, hãng dược Regeneron Pharmaceutical cho biết họ buộc phải ngừng thử nghiệm thuốc kháng thể ngừa COVID-19 đối với những bệnh nhân nặng nhất đang nằm viện bởi lo ngại tới độ an toàn cho người bệnh và điều này cho thấy thuốc kháng thể không phải là cứu cánh đối với các bệnh nhân nặng.
ECB kêu gọi chính phủ các nước châu Âu cân nhắc kỹ biện pháp phong tỏa toàn bộ
Ngày 30/10, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho rằng chính phủ các nước trong khu vực cần cân nhắc kĩ lưỡng phương án đóng cửa nền kinh tế để chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cần tiếp tục chi ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos khẳng định: “Chúng ta cần nỗ lực đánh bại virus mà không cần phải đóng cửa hoàn toàn kinh tế bởi hậu quả đối với các hoạt động kinh tế là rất, rất lớn."
Ông Luis de Guindos cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai các gói kích thích tài chính dần từng bước theo tốc độ phục hồi kinh tế.
Tương tự, thành viên trong Hội đồng quản trị của ECB Yves Mersch cũng khuyến nghị các chính phủ cân nhắc khả năng mở rộng các biện pháp hỗ trợ bằng tài chính giữa lúc dịch bệnh COVID-19 hoành hành.
Một ngày trước đó, ECB quyết định không thay đổi lãi suất chủ chốt và "đánh tiếng" rằng sẵn sàng tăng cường các biện pháp kích thích để ứng phó với đại dịch trong cuộc họp vào tháng 12 tới.
Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn lương thực, bà Stella Kyriakides cho rằng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nên sẵn sàng áp đặt những biện pháp hạn chế hoạt động của người dân để cắt đứt chuỗi lây nhiễm của COVID-19 tại châu lục. Bà Kyriakides đưa ra quan điểm này trong bài phát biểu trước Hội nghị trực tuyến của các bộ trưởng y tế EU.
Mặc dù vậy, bà Kyriakides thừa nhận một số những biện pháp cần thiết để phòng dịch “gây khó chịu” và nhiều người tại châu Âu hiện không sẵn sàng tuân theo các lệnh hạn chế mới sau các lệnh phong tỏa vào mùa Xuân - thời điểm đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ nhất.
Trong tuần này, hai nước Pháp và Đức đã thông báo các biện pháp mới để phòng chống dịch trong bối cảnh số ca mắc tại “lục địa già” đã vượt mức 10 triệu ca và nhiều bệnh nhân COVID-19 trở nặng cần điều trị tích cực.
Bên cạnh đó, bà Kyriakides cũng khuyến nghị các nước EU tăng cường năng lực xét nghiệm và theo dõi tiếp xúc, cũng như năng lực của hệ thống y tế.
Bỉ "phong tỏa nghiêm ngặt" trong 6 tuần
Hiện là quốc gia có mức độ lây nhiễm virus SARS-Cov-2 cao hàng đầu thế giới, tối 30/10, Vương quốc Bỉ đã quyết định thực hiện các biện pháp “phong tỏa nghiêm ngặt” toàn quốc trong vòng 6 tuần.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã công bố các biện pháp được cho là “cơ may cuối cùng” nhằm làm chậm lại đà lây lan của đại dịch tại đất nước được mệnh danh là “trái tim của châu Âu” này.
Trong buổi họp báo sau phiên họp của Ủy ban Thống nhất về COVID-19, các biện pháp phòng dịch sẽ có hiệu lực kể từ ngày 2/11, bao gồm việc đóng cửa các cửa hàng “không thiết yếu” (các cửa hàng không phải là cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc) và quy định làm việc từ xa là yêu cầu bắt buộc đối với toàn bộ các cơ quan và doanh nghiệp.
Thủ tướng Alexander De Croo cũng đã thông báo việc hạn chế tiếp khách đối với mỗi gia đình vào mỗi tuần chỉ là một người và kéo dài thời gian nghỉ lễ của học sinh tới ngày 15/11.
[Nhiều nước châu Âu tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục]
Bộ trưởng Y tế Bỉ, ông Frank Vandenbroucke, giải thích : “Đây là các biện pháp phong tỏa phòng dịch… Tuy nhiên, nó cho phép các nhà máy vẫn vận hành, cho phép trường học vẫn được mở cửa sau ngày 15/11, và không để người dân bị rơi vào tình trạng bị cô lập." Việc tăng cường các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt của chính phủ Bỉ cũng không bao gồm việc hạn chế đi lại của người dân.
Đề cập về mức độ nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 tại Bỉ, Thủ tướng Bỉ cho biết: “Nước Bỉ đang trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Sức ép tại các bệnh viện hiện rất lớn và các y, bác sỹ hàng ngày đang phải dốc hết sức lực để cứu sống các bệnh nhân. Dự kiến từ nay tới giữa tháng 11, sẽ có tới 2.800 bệnh nhân nguy kịch phải điều trị tích cực” (trong khi ở Bỉ chỉ có tối đa 2000 giường hồi sức cấp cứu).
Ở Bỉ, số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện hiện cao hơn so với thời điểm đỉnh dịch của đợt dịch lần một, hồi đầu mùa Xuân năm nay.
Nước Bỉ với dân số 11,5 triệu dân, ngày 30/10 đã ghi nhận tổng cộng 6.187 bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện, trong đó có 1.057 người bệnh nguy kịch phải chăm sóc đặc biệt. Trong tuần trước, Bỉ đã ghi nhận mức lây nhiễm kỷ lục với trên 100.000 ca nhiễm mới (tức trên 15.000 ca nhiễm mới mỗi ngày).
Vùng Brussels, với dân số 1,2 triệu dân, ngay sau đó cũng đề ra các quy định phòng dịch nghiêm ngặt riêng như mở rộng khung giờ giới nghiêm và thực hiện đóng cửa các nhà hàng từ 20h tối cũng như cấm các hoạt động văn hóa và thể thao.
Châu Phi có nhiều sáng kiến trong công tác ứng phó
Châu Phi đang trở thành một trong những khu vực tiên phong trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới thông qua việc đóng góp một số lượng đáng kể các sáng kiến liên quan đến công tác ứng phó với đại dịch này.
Báo cáo ngày 30/10 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại châu Phi, châu lục này đã có tổng cộng 128 sáng kiến trên tổng số 1.000 sáng kiến trên toàn cầu, chiếm tỷ lệ 12,8%.
Các sáng kiến của châu Phi hiện đang được ứng dụng đa dạng trên nhiều lĩnh vực từ các biện pháp giám sát dịch bệnh, truy dấu tiếp xúc cho đến các phương pháp phòng dịch và chữa trị người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trong thông báo, Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti nêu rõ mặc dù dịch COVID-19 được xem là thách thức lớn nhất của loài người trong nhiều thập kỷ qua, nhưng đây cũng là cơ hội và động lực để nhân loại tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, đặc biệt trên mặt trận y khoa cũng như bảo vệ sức khỏe con người.
Theo bà Moeti, tại châu Phi, giới trẻ chính là đối tượng tiên phong trong việc đưa ra các sáng kiến cùng nhiều sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao từ máy sát khuẩn tay chạy bằng năng lượng Mặt Trời, các ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp phát hiện ổ dịch, truy dấu người tiếp xúc bệnh nhân COVID-19 cho đến cảnh báo thuê bao khi di chuyển đến các điểm nóng dịch bệnh.
Trong 128 sáng kiến về công nghệ của châu Phi, khoảng 60% liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông (ICT), 25% liên quan đến công nghệ in ba chiều (3D) và số còn lại có mối quan hệ mật thiết đến công nghệ robot.
Nổi bật trong số các sáng kiến liên quan đến ICT là công nghệ trả lời tự động trên ứng dụng chat Whatsapp của Nam Phi, ứng dụng tự chẩn đoán bệnh của Angola, ứng dụng truy vết tiếp xúc của Ghana và ứng dụng tư vấn phòng dịch của Nigeria.
Báo cáo của WHO cho biết các quốc gia đóng góp nhiều sáng kiến nhất tại châu Phi phần lớn thuộc khu vực phía Nam sa mạc Sahara, trong đó bao gồm Nam Phi (13%), tiếp đến là Kenya, Nigeria và Rwanda với tỷ lệ lần lượt là 10%, 8% và 6%.
Liên quan đến dịch COVID-19 tại châu Phi, hôm 29/10, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Africa) John Nkengasong đã cảnh báo khu vực này cần chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai trong bối cảnh số ca nhiễm tại châu Âu và một số nước châu Á tăng lên.
Theo CDC châu Phi, cho đến nay, 55 nước thành viên của Liên minh châu Phi (AU) đã ghi nhận hơn 1,7 triệu ca nhiễm, tương đương 3,9% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu, một tỷ lệ khá thấp so với mức trung bình trên thế giới. Tuy nhiên, trong tháng qua, trung bình mỗi tuần số ca nhiễm trên toàn châu lục đã tăng 6% mặc dù trước đó châu Phi đã kiểm soát dịch rất tốt.
Tính đến hết ngày 30/10, châu lục 1,3 tỷ dân này ghi nhận 1.761.092 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 42.339 trường hợp tử vong. Những quốc gia có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực gồm Nam Phi, Ai Cập, Maroc, Ethiopia và Nigeria.
Argentina nối lại các chuyến bay quốc tế sau hơn 7 tháng
Ngày 30/10, Chính phủ Argentina thông báo cho phép nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế kể từ tháng 11 sau hơn 7 tháng đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Mặc dù vậy, Chính phủ Argentina mới chỉ cho phép nhập cảnh đối với du khách đến từ các nước láng giềng như Brazil, Uruguay, Paraguay, Bolivia và Chile, đồng thời giới hạn khu vực được đến thăm bao gồm thủ đô Buenos Aires và các vùng phụ cận.
Ngoài ra, các chuyến bay quốc tế sẽ chỉ đưa đón các công dân Argentina và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại quốc gia Nam Mỹ này.
Du khách đến từ các nước láng giềng sẽ phải tuân thủ chặt chẽ quy trình an toàn dịch tễ, trong đó phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh.
Biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 tại thủ đô Buenos Aires và các khu vực xung quanh đang được kiềm chế ở mức ổn định cho dù đến nay Argentina đã ghi nhận hơn 1,1 triệu ca mắc bệnh, trong đó có trên 30.000 trường hợp tử vong./.