Ngày 7/7, Tổng thống Pháp Francois Hollande tham dự hội nghị kéo dài hai ngày với lãnh đạo các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chương trình "đổi thuế lấy việc làm" do Chính phủ của ông khởi xướng.
Hội nghị tập trung giải quyết vấn đề thất nghiệp, hiện đã tăng lên mức cao kỷ lục 3,38 triệu người và là yếu tố dẫn đến thất bại của đảng Xã hội cầm quyền trong các cuộc bầu cử vừa qua.
Trước đó, Chính phủ của ông Hollande cam kết giảm chi tiêu công giai đoạn 2015-2017 để tài trợ gói cắt giảm thuế thu nhập và chi phí xã hội, chương trình có mục đích kích cầu, giúp các công ty nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư.
Trọng tâm của chiến lược này là "Hiệp ước Trách nhiệm," theo đó, các công ty được cắt giảm thuế và chi phí xã hội lên đến 40 tỷ euro (54 tỷ USD) nhưng phải cam kết tạo ra khoảng 500.000 việc làm mới.
Trong khi đó, tranh cãi về vấn đề lao động đang phủ bóng đen lên hội nghị. Các nghiệp đoàn đe dọa tẩy chay thảo luận về tạo việc làm, cáo buộc Chính phủ không đảm bảo để chủ lao động bám mục tiêu thương lượng.
Các nghiệp đoàn bức xúc trước quyết định của Thủ tướng Manuel Valls trì hoãn thực hiện chế độ lao động mới, cho phép người đăng ký làm công việc nặng nhọc, ca đêm, tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc khuân vác nặng, được đào tạo thêm hoặc được nghỉ hưu sớm có bồi thường.
Các quy định này lẽ ra được áp dụng từ tháng 1/2015, nay bị trì hoãn thêm một năm. Các nghiệp đoàn gọi sự trì hoãn này là động thái "phá vỡ đối thoại về lao động."
Lãnh đạo các nghiệp đoàn còn lo ngại vì đàm phán về vấn đề tuyển nhân viên đã không đạt tiến bộ thực sự./.