Nước Pháp tiếp tục đương đầu với đợt biểu tình và đình công mới

Các cuộc biểu tình nổ ra tại các thành phố lớn của Pháp như, Lyon, Marseille, với sự tham gia của hàng chục nghìn người gồm nhân viên đường sắt, người lao động trong các lĩnh vực công và sinh viên.
Sinh viên tham gia đình công ở Marseille, Pháp ngày 19/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Làn sóng biểu tình, đình công thứ tư trong tháng này phản đối đề xuất cải cách khu vực nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã diễn ra ngày 19/4.

Tuy nhiên, quy mô đã giảm so với trước do bất đồng giữa các nghiệp đoàn đường sắt nước này.

Các cuộc biểu tình nổ ra tại các thành phố lớn của Pháp như, Lyon, Marseille, với sự tham gia của hàng chục nghìn người gồm nhân viên đường sắt, người lao động trong các lĩnh vực công và sinh viên.

Theo Tổng liên đoàn lao động Pháp (CTG), tổ chức phát động làn sóng biểu tình, có khoảng 300.000 người trên khắp nước Pháp đã xuống đường tham gia các cuộc tuần hành, song thống kê của Bộ Nội vụ Pháp cho thấy số người tham gia hoạt động này ở mức 119.500 người.

[Ngành đường sắt Pháp tiếp tục đình công, giao thông đình trệ]

Trong khi đó, cảnh sát cho biết có 11.500 người biểu tình tại thủ đô Paris, ít hơn so với con số 50.000 người mà CTG đưa ra.

Các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, song vẫn có các cuộc đụng độ nhỏ giữa cảnh sát và những đối tượng quá khích theo đường lối cực tả, nhiều người trong số này đeo mặt nạ và trùm đầu.

Công ty quản lý giao thông công cộng Pháp (RATF) cho hay giao thông công cộng bị đình trệ do công nhân đường sắt đình công, song không nghiêm trọng như 3 tuần trước đó.

Theo RATF, chỉ có 1/3 số tàu cao tốc TVG được vận hành, song vẫn cao hơn so với mức 1 trong 8 tàu hồi đầu tháng.

Cơ quan vận hành đường sắt quốc gia SNCF cũng cho hay 20% nhân viên đã tham gia đình công.

Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo đất nước, Tổng thống Macron đã phải đối mặt với nhiều cuộc đình công liên quan kế hoạch cải cách khu vực nhà nước như cuộc đình công của các nhân viên SNCF, cuộc biểu tình của các sinh viên phản đối cải cách giáo dục đại học và cuộc đình công của những người hưởng chế độ hưu trí phản đối việc chính phủ tăng thuế an sinh xã hội.

Bất chấp làn sóng phản đối mạnh mẽ, nhà lãnh đạo Pháp vẫn duy trì quan điểm cứng rắn đối với chính sách cải cách kinh tế của mình nhằm giải quyết núi nợ công đang tăng cao, lên tới gần 100% GDP, đồng thời biến nước Pháp trở thành thị trường cạnh tranh hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục