Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dòng chảy thượng lưu trong đợt xả nước giữa tháng 3 đã bắt đầu ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 3/4.
Dự kiến lưu lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt đỉnh vào ngày mùng 5 đến ngày 7/4 và có hiệu quả đẩy mặn, lấy ngọt tại các vùng cửa sông (cách biển từ 25-40km) từ ngày 12/4.
So với ngày 2/4, dòng chảy tại trạm Tân Châu (sông Tiền) tăng 170 m3/s. Dòng chảy tại trạm Châu Đốc (sông Hậu) tăng 38 m3/s.
Về hiện trạng xâm nhập mặn, ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập, Tổng cục Thủy lợi cho biết, tại khu vực ven biển Đông, tuy dòng chảy thượng lưu đã bắt đầu ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long nhưng do đang ảnh hưởng của triều cường đầu tháng 4 nên hiệu quả đẩy mặn chưa cao.
Dự báo sau ngày 12/4, mặn xâm nhập trên cửa sông Cửu Long có thể giảm từ 10-15 km so với hiện tại. Nước ngọt có khả năng xuất hiện các vùng cách biển từ 25-40 km vào lúc triều thấp.
Tại khu vực ven biển Tây, đã bắt đầu có sự ảnh hưởng của xả nước thượng lưu, độ mặn đang có xu thế giảm.
Dự báo nguồn ngọt từ sông Hậu về vùng Tứ Giác Long Xuyên (Kiên Giang), tỉnh Hậu Giang sẽ cải thiện từ ngày mùng 4 đến ngày 15/4, tuy nhiên sau đó mặn có thể gia tăng trở lại, ông Đồng Văn Tự cho biết.
Theo Tổng cục Thủy lợi, độ mặn 4 phần nghìn đo ngày 3/4 tại khu vực sông Vàm Cỏ cách cửa biển từ 95 đến 105km; các cửa sông Tiền từ 42 đến 73km; các cửa sông Hậu từ 35 đến 40km; ven biển Tây (trên sông Cái Lớn) 65km./.