NXB Giáo dục phủ nhận biên soạn sách riêng cho hai miền

NXB Giáo dục phủ nhận việc biên soạn sách riêng cho hai miền

“Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định không hề cung cấp thông tin về việc sẽ biên soạn hai bộ sách cho hai miền Bắc-Nam," Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt NamNguyễn Văn Tùng cho biết.
Theo quy định, sách giáo khoa hiện vẫn là một bộ thống nhất trên toàn quốc. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

“Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định không hề cung cấp thông tin về việc sẽ biên soạn hai bộ sách cho hai miền Bắc-Nam.”

Đó là thông tin Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trả lời phóng viên VietnamPlus chiều nay, 15/2.

Trước đó, một số cơ quan truyền thông có đưa về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ hoàn tất các điều kiện biên soạn hai bộ sách giáo khoa miền Bắc và miền Nam trong năm 2016. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên.

Về việc này, tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho hay, ngày 28/11/2014, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó thống nhất chủ trương một chương trình nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa. Các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân đều có quyền tham gia viết sách giáo khoa. 

Đón đầu xu hướng này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chuẩn bị điều kiện về nhân lực, tài lực để có thể biên soạn được những bộ sách giáo khoa trong điều kiện xã hội hóa. 

“Việc chuẩn bị này được Nhà xuất bản Việt Nam tiến hành ở các cơ sở khác nhau của mình như  miền Bắc, miền Nam, và có thể ở miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long. Đây chỉ là các địa điểm tổ chức bản thảo bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam,” ông Tùng khẳng định.

Cũng theo ông Tùng, phải tới khi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình chi tiết các môn học được thông qua thì Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới tiến hành biên soạn các bộ sách giáo khoa phù hợp với chương trình này. 

Hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vẫn đang là dự thảo, chưa được ban hành chính thức. Sau khi có chương trình tổng thể chính thức mới biên soạn chương trình chi tiết các môn học.

Như vậy, có thể khẳng định sẽ không thể có chương trình chi tiết ngay trong năm 2016, đồng nghĩa với việc không thể có sách giáo khoa mới ngay năm nay.

Mặt khác, theo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tất cả các bộ sách, kể cả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hay các cá nhân, tổ chức khác soạn đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định và thông qua mới được đưa ra phát hành.

Việc lựa chọn sử dụng bộ sách giáo khoa nào lại thuộc thẩm quyền của nhà trường, giáo viên, có tham khảo ý kiến học sinh và phụ huynh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục