Theo một nghiên cứu nêu bật những nguy cơ mà khí thải nhà kính gây ra đối với sức khỏe con người, tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong một thời gian dài có thể là một tác nhân liên quan 15% ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu.
Trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Cardiovascular Research ngày 27/10, các nhà khoa học Đức và Cyprus cho biết họ đã ước tính con số trên thông qua số liệu tổng hợp y tế và dịch bệnh tại Mỹ và Trung Quốc liên quan đến ô nhiễm không khí, dịch COVID-19 và Hội chứng hô hấp cấp SARS.
Ngoài ra, họ còn kết hợp với dữ liệu vệ tinh về tình trạng phơi nhiễm các hạt vật chất siêu nhỏ trên toàn cầu cũng như mạng lưới giám sát tình trạng ô nhiễm trên mặt đất.
Kết quả cho thấy Đông Á là khu vực có mức ô nhiễm cao nhất hành tinh và có tới 27% bệnh nhân COVID-19 tử vong tại đây có thể do các vấn đề sức khỏe liên quan đến chất lượng không khí kém. Tỷ lệ này tại châu Âu là 19%, trong khi Bắc Mỹ là 17%.
[EEA: 13% số ca tử vong tại châu Âu do ô nhiễm môi trường]
Ông Thomas Munzel - đồng tác giả nghiên cứu cho biết người vừa tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian dài vừa nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ dễ mắc các vấn đề về tim và mạch máu.
Theo ông, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh phổ biến liên quan đến COVID-19 như phổi và tim. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng các hạt vật chất trong không khí dường như làm gia tăng hoạt động của ACE-2 - thụ quan trên bề mặt của tế bào phổi, theo đó làm tăng sự hấp thụ virus SARS-CoV-2 ở bệnh nhân COVID-19.
Qua đó, các tác giả nghiên cứu cảnh báo ô nhiễm không khí sẽ tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người kể cả khi dịch COVID-19 qua đi, nếu chính quyền các thành phố không có chính sách cải thiện chất lượng không khí như chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và tái sinh.
Các tác giả nhấn mạnh: "Dịch bệnh chấm dứt khi có vắcxin phòng ngừa hoặc con người miễn dịch qua lây nhiễm cộng đồng, song không có vắcxin cho chất lượng không khí kém hay biến đổi khí hậu, mà cách duy nhất là giảm lượng khí thải"./.