Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực phía Tây sông Đáy

Sự nở rộ của các cơ sở khai thác, chế biến đá kéo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt hàm lượng bụi ở khu vực phía Tây sông Đáy đều vượt mức cho phép 2-3 lần.
(Ảnh minh họa: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam có nguồn đá vôi với trữ lượng hàng tỷ mét khối, tập trung chủ yếu ở 5 xã phía Tây sông Đáy gồm Thanh Thủy, Thanh Tân, Thanh Nghị, Thanh Hải và thị trấn Kiện Khê.

Với nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng lớn nên khu vực này có 6 nhà máy ximăng đang hoạt động, 57 cơ sở khai thác khoáng sản, 75 cơ sở khai thác, chế biến đá, bột đá siêu mịn, 16 cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và 54 bến xuất đá.

Tuy nhiên, sự nở rộ của các cơ sở khai thác, chế biến và sản xuất này đã kéo theo hệ lụy là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt hàm lượng bụi tại những điểm nóng ở khu vực phía Tây sông Đáy đều vượt mức cho phép khoảng 2-3 lần.

Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học công nghệ và môi trường quan trắc vào tháng 8/2015 tại 5 khu vực trên đều có chỉ tiêu bụi ở tất cả các mẫu cao hơn quy chuẩn cho phép.

Cụ thể, tại thôn Hải Phú, xã Thanh Hải có hàm lượng bụi tổng cao hơn quy chuẩn cho phép khoảng 2,17 lần; tại thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị có hàm lượng bụi tổng vượt quy chuẩn cho phép khoảng 3,15 lần; ở thôn Nam Công, xã Thanh Tân có hàm lượng bụi tổng cao hơn quy chuẩn cho phép khoảng 1,96 lần; tại thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy có hàm lượng bụi tổng cao hơn quy chuẩn cho phép khoảng 2,69 lần; tại khu vực thị trấn Kiện Khê có hàm lượng bụi tổng cao hơn quy chuẩn cho phép khoảng 3,09 lần.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường là do các doanh nghiệp hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn chưa thực hiện đúng quy trình và đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường đã cam kết với cơ quan Nhà nước dẫn đến ô nhiễm bụi trong quá trình chế biến và vận chuyển, tiếng ồn trong khoan nổ mìn.

Bên cạnh đó, lượng xe chở vật liệu xây dựng thường quá tải, quá khổ, không có bạt che phủ hay xe chở vật liệu phóng nhanh làm rơi vãi vật liệu gây bụi, tiếng ồn, nhất là khi qua khu dân cư.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông khu vực này xuống cấp, nhất là khu vực cầu Kiện Khê một số đoạn đường khu dân cư không có biển báo hạn chế tốc độ, có nhiều vật liệu rơi vãi trên đường không được thu dọn kịp thời; việc tưới phun giảm thiểu bụi đường không thường xuyên.

Theo ông Vũ Hữu Song, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam, hiện nay, công tác bảo vệ môi trường tại khu vực phía Tây sông Đáy vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết dứt điểm như tình trạng xe chuyên chở hàng hóa, vật liệu xây dựng quá tải trọng, chạy tốc độ nhanh gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn, gây mất an toàn giao thông; các cầu cảng, máng rót vật liệu trên sông Đáy hoạt động tự phát chưa được xử lý nghiêm; chưa kiểm soát chặt chẽ việc cấp vật liệu nổ công nghiệp tương ứng với công suất dự án khai thác đá.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, cơ sở chưa có hồ sơ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa thực hiện lắp đặt và vận hành các công trình bảo vệ môi trường; chưa làm tốt công tác phân loại, thu gom, quản lý và xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật… đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, sức khỏe và gây bức xúc trong nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Liêm Đinh Văn An thừa nhận tại những nhà máy ximăng hoạt động trên địa bàn vẫn có hiện tượng không chạy lọc tĩnh điện để lọc bụi vào ban đêm...; quá trình nghiền nguyên liệu đá, băng tải ximăng dời, máng rót đá để xuống tàu thuyền phát tán bụi với nồng độ lớn.

Các tổ chức, cơ sở khai thác chế biến đá không thường xuyên thực hiện triệt để hệ thống phun sương dập bụi tại khu vực dàn nghiền hoặc tưới ẩm đá trước khi nghiền. Giải pháp trồng cây xanh để cách ly giảm thiểu bụi phát tán ra khu vực xung quanh của các nhà máy sản xuất ximăng, các tổ chức khai thác chế biến đá không thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt...

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực phía Tây sông Đáy, ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đối với các chủ doanh nghiệp, các ngành và nhân dân trên địa bàn huyện Thanh Liêm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm, đầy đủ các quy định trong hoạt động ở lĩnh vực môi trường.

Các cơ quan chức năng và huyện Thanh Liêm tăng cường kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực môi trường, xử lý kiên quyết trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp tái phạm, cố tình vi phạm có thể dừng hoạt động, hoặc thu hồi giấy phép khai thác.

Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các ngành chức năng củng cố tổ chức hoạt động của đội thanh tra liên ngành, làm việc với từng doanh nghiệp trên địa bàn ký cam kết thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục