OECD đánh giá cao Việt Nam trong vai trò Đồng Chủ trì Chương trình Đông Nam Á

Tổng Thư ký OECD cam kết sẵn sàng phối hợp, chủ động cùng Việt Nam lựa chọn các Ban chuyên môn để hỗ trợ Việt Nam nắm bắt và vận dụng các xu hướng và tiêu chuẩn toàn cầu.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann. (Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann. (Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN)

Nhân dịp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD (MCM) năm 2024, diễn ra trong hai ngày 2-3/5 tại thủ đô Paris, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chuyển lời và thư của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn OECD đã mời Việt Nam tham dự Hội nghị MCM cũng như đã ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong vai trò Đồng Chủ trì Chương trình Đông Nam Á (SEARP) nhiệm kỳ 2022-2025.

Bộ trưởng đề nghị OECD phối hợp cùng Việt Nam tập trung triển khai hai trọng tâm hợp tác quan trọng.

Một là, tiếp tục hỗ trợ thực hiện 15 dự án trong Kế hoạch hành động Việt Nam-OECD giai đoạn 2022-2026.

Hai là, tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác trên cơ sở Bản ghi nhớ (MOU) thông qua các nghiên cứu, phân tích về nền tảng kinh tế Việt Nam và tạo điều kiện để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các Ban chuyên môn của OECD, giúp Việt Nam hiểu rõ hơn và đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách quản trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, thuế, kinh tế, phát triển, chính sách số, đầu tư, khoa học công nghệ…

Tổng Thư ký Mathias Cormann bày tỏ ấn tượng với các cuộc thảo luận và trao đổi chính sách với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tổng Thư ký đánh giá cao vai trò và đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam đối với Chương trình SEARP; khẳng định coi trọng quan hệ Việt Nam-OECD; cam kết sẵn sàng phối hợp, chủ động cùng Việt Nam lựa chọn các Ban chuyên môn để hỗ trợ Việt Nam nắm bắt và vận dụng các xu hướng và tiêu chuẩn toàn cầu cho quá trình hoạch định chính sách phát triển phù hợp.

Australia muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Việt Nam

Cùng ngày, tại trụ sở OECD, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gặp Đồng Bộ trưởng Thương mại và Sản xuất Australia Tim Ayres.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên sớm hoàn thiện xây dựng Chương trình Hành động triển khai khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia, tạo cơ sở vững chắc để hai nước tiếp tục làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, đào tạo, lao động… và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; đề nghị Australia tiếp tục hỗ trợ ODA về ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực.

ttxvn-australia.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Thương mại và sản xuất Australia Tim Ayres. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Bộ trưởng Tim Ayres đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước trên cương vị Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD (2022-2025); khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ mạnh mẽ với OECD; nhất trí việc thực hiện các dự án thuộc Bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam và OECD (MOU), tranh thủ nguồn lực của OECD phục vụ việc xây dựng, triển khai các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Bộ trưởng Australia khẳng định ủng hộ dự án hợp tác 3 bên Việt Nam-Australia-Lào; mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực.

Hai bên đánh giá cao kết quả chuyến thăm Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tháng 3/2024 và những phát triển hết sức tốt đẹp, hiệu quả trong quan hệ hai nước thời gian qua, thể hiện sự tin cậy trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia.

Đề nghị Nhật Bản quan tâm đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

Cũng trong chiều 3/5, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Nhật Bản quan tâm đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực mới như sản xuất chất bán dẫn, giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Nhật Bản trong khu vực; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giao lưu Nhân dân, hợp tác lao động, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt trong ngành bán dẫn; tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho lao động Việt Nam tại Nhật Bản; đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, tiến đến miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam để thúc đẩy hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước.

ttxvn-nhat ban.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Bộ trưởng Kamikawa Yoko đánh giá cao vai trò, cũng như các đóng góp và nỗ lực của Việt Nam khi đảm nhiệm trọng trách Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD (2022-2025); ủng hộ các sáng kiến, định hướng và ưu tiên mà Việt Nam đề xuất nhằm thúc đẩy các nội dung hợp tác với OECD; nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương như OECD, ASEAN…; mong muốn Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy hợp tác ASEAN - Nhật Bản và ASEAN - OECD thời gian tới.

Bộ trưởng Kamikawa Yoko bày tỏ mong muốn thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam và Đông Nam Á; ủng hộ tạo điều kiện để Việt Nam tham gia các Ủy ban của OECD; nhất trí tiếp tục triển khai các dự án hợp tác kinh tế ở Việt Nam, hỗ trợ đào tạo nghề. Bộ trưởng Nhật Bản nhất trí cùng thúc đẩy tăng cường trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước; khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh mới.

Hai bên bày tỏ vui mừng trước những phát triển vượt bậc trong quan hệ song phương thời gian vừa qua và nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy triển khai cụ thể khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới; nhất trí tiếp tục tiếp tục tăng cường phối hợp, chia sẻ lập trường, hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đã tới thăm trụ sở Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), tại thủ đô Paris, và có cuộc gặp với Tổng Thư ký Louise Mushikiwabo.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ; luôn ủng hộ những nỗ lực của OIF trong việc thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, phát triển trên thế giới và trong không gian Pháp ngữ; hỗ trợ các nước thành viên thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với các thách thức toàn cầu như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, Biến đổi Khí hậu...

ttxvn-phap ngu.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Tổng Thư ký Tổ chức Pháp ngữ Louise Mushikiwabo. (Ảnh: TTXVN phát)

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam sẽ tham gia và đóng góp tích cực tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 diễn ra tại Pháp vào tháng 10/2024; mong muốn Hội nghị lần này sẽ mang lại những kết quả thiết thực, tạo ra động lực mới cho hợp tác Pháp ngữ trong thời gian tới.

Tổng thư ký Louise Mushikiwabo bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam; nhấn mạnh OIF hết sức coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam trong cộng đồng Pháp ngữ; hoan nghênh việc Việt Nam tăng mức đóng góp và chia sẻ kinh nghiệm với các nước châu Phi trong việc tự chủ lương thực, xóa đói giảm nghèo; nhất trí ủng hộ đề nghị của Việt Nam về việc thúc đẩy các hoạt động hợp tác ba bên trong không gian Pháp ngữ trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục; sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch bền vững giữa Việt Nam và các nước Pháp ngữ, đặc biệt là thông qua Chiến lược kinh tế Pháp ngữ 2020-2025 và Chương trình hợp tác giai đoạn 2024-2027.

Tổng Thư ký nhấn mạnh cộng đồng Pháp ngữ sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển và lan tỏa tiếng Pháp, hỗ trợ đào tạo tiếng Pháp cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam và cán bộ của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đa phương; sẵn sàng tiếp nhận cán bộ Việt Nam vào làm việc tại Ban Thư ký Pháp ngữ (OIF)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục