Theo Trang mạng scmp.com/globaltimes.cn, trong bối cảnh ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden bắt đầu vạch rõ kế hoạch chuyển giao quyền lực, Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ không phải là một chương trình nghị sự được ưu tiên với nhiều thách thức cấp bách.
Tuy nhiên, đội ngũ của ông Biden không nên để những vấn đề khác lấn át hồ sơ Đông Nam Á quá lâu.
Nhiều nhà hoạch định chính sách Đông Nam Á cho rằng Mỹ đang lo là ngã ba châu Á, một khu vực có tầm quan trọng chiến lược, và nhanh chóng để mất ảnh hưởng vào tay Trung Quốc.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) nhiều khả năng sẽ càng củng cố hơn những thành quả mà Trung Quốc gặt hái được từ tầm ảnh hưởng này.
Trong khi đó, Giáo sư Tống Uy (Song Wei), nhà nghiên cứu làm việc tại Học viện Phát triển và Chiến lược Quốc gia, bình luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu: “Quyền lực mềm và ảnh hưởng của Mỹ dựa trên khái niệm về cái gọi là cộng đồng các nền dân chủ. Giới tinh hoa Mỹ vẫn luôn tin rằng mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh nên là mối quan hệ theo kiểu ‘bè bạn’ hay ‘người thân,’ gần gũi thay vì trục lợi cho riêng mình. Tuy nhiên, các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump đã đẩy những mối quan hệ ấy tới chỗ chỉ còn là những tính toán lợi ích đơn thuần, và thậm chí là phản bội, từ đó hủy hoại nghiêm trọng danh tiếng của chính nước Mỹ.”
[Ông Biden: Mỹ vẫn duy trì mức thuế 25% với hàng hóa Trung Quốc]
Giới lãnh đạo Đông Nam Á hiện đang tập trung cao độ vào mục tiêu phục hồi kinh tế và hướng đến Trung Quốc để tìm kiếm động lực tăng trưởng. Nhiều chính phủ âm thầm lo ngại về những ảnh hưởng ngày càng lớn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, song điều khiến họ bất an hơn lại chính là sự thù địch chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bất chấp những bình luận công khai đầy thận trọng, các chính phủ Đông Nam Á không hề muốn bị bỏ mặc và phải tự xoay xở với Trung Quốc.
Một chiến lược ngoại giao mới, vừa thừa nhận cuộc cạnh tranh với Trung Quốc vừa khẳng định giá trị của quan hệ đối tác với Đông Nam Á theo đúng nghĩa, sẽ là điều mà cả khu vực đều chào đón.
Để tái thiết ảnh hưởng, “chính quyền ông Biden” sắp tới, nếu có, cần phải làm việc hiệu quả hơn với mọi đối tác khu vực.
Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến những thất vọng nhất định bắt nguồn từ thái độ thận trọng của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, lo ngại về “tính trung tâm của ASEAN” cũng như sự rời rạc của các thể chế khu vực.
Liệu có tồn tại những lựa chọn khác hay không? Đông Nam Á dành nhiều nỗ lực để xây dựng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như tính thống nhất nội bộ bởi họ tin rằng - theo lời của cựu Ngoại trưởng Singapore Bilahari Kausikan – điều này giúp khu vực bảo vệ tính tự chủ dân tộc trước cuộc cạnh tranh của các nước lớn.
Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng, chính sách đối ngoại mà Mỹ thúc đẩy tại Đông Nam Á cần phải tính đến thực trạng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói thay quan điểm của khu vực khi nhấn mạnh rằng Đông Nam Á “không thể xa lánh Trung Quốc,” và “các quốc gia châu Á khác sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn dù chỉ một tranh cãi ảnh hưởng đến tổng thể mối quan hệ với Bắc Kinh.”
Trước những thực tế khó có thể thay đổi này, Mỹ không nên phí hoài vốn liếng ngoại giao vào việc tìm cách lôi kéo Đông Nam Á về phía mình. Thay vào đó, mục tiêu mà Mỹ nên hướng đến phải là giữ cho ASEAN cân bằng ở giữa.
Mỹ cần một cam kết thống nhất và tập trung đối với khu vực, một cam kết đề cao lợi ích riêng của các nước Đông Nam Á chứ không chỉ xem họ như những quân cờ trên một đấu trường mới.
Đông Nam Á hiểu rằng chính quyền Mỹ sắp tới sẽ có nhiều ưu tiên cấp bách hơn, ở cả trong nước và quốc tế, song khu vực vẫn theo sát các diễn biến để tìm kiếm dấu hiệu phản ánh những dự định và cam kết mới từ chính quyền sắp tiếp quản Nhà Trắng.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nói Đông Nam Á xem họ là “nền tảng để thúc đẩy các nước châu Á-Thái Bình Dương hợp tác với nhau, gia tăng cơ hội thành công, và cùng nhau định hình cấu trúc khu vực cũng như những quy tắc ràng buộc nó.”
Chính quyền mới dưới thời ông Biden, nếu có, có thể đồng bộ tốt hơn chính sách thương mại với các mục tiêu chiến lược. Ông Biden từng tuyên bố ông sẽ cứng rắn với các hành vi thương mại bất công, song việc chính quyền Tổng thống Trump quá ám ảnh với thâm hụt thương mại thậm chí đã đẩy cả những đối tác mạnh mẽ nhất trong khu vực của Mỹ đến trước nhiều áp lực. Đội ngũ của ông Biden cần cân bằng trong việc thúc đẩy các mục tiêu ủng hộ dân chủ và nhân quyền.
Các đối tác dân chủ trong khu vực của Mỹ có thể và nên làm nhiều hơn nữa để chống tham nhũng, ủng hộ nhân quyền và pháp quyền, nhưng Mỹ không đủ khả năng để biến các giá trị này thành động lực chính cho sự can dự tại Đông Nam Á.
Giáo sư Tống Uy nhận định: “Ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương (dưới thời ông Biden) có thể sẽ cải thiện. Tuy nhiên, xu hướng bài xích toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ vẫn rất mạnh mẽ, trong khi những lời kêu gọi đưa quân đội Mỹ hồi hương đang diễn ra gay gắt. Xung đột giữa Mỹ và các đồng mình sẽ vẫn tồn tại trong một thời gian dài. Bởi vậy việc khôi phục ảnh hưởng của Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều căng thẳng."
Đông Nam Á không muốn chứng kiến một cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, song cũng không muốn Mỹ “nhường” khu vực cho Trung Quốc. Một chính sách đối ngoại tính đến nhiều hơn những nhu cầu của Đông Nam Á không phải là cách hiệu quả để trực tiếp thúc đẩy các lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ và cũng không thể đáp ứng những đòi hỏi trong cuộc cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc.
Mỹ tốt hơn hết là nên cải tổ chính sách Đông Nam Á theo hướng ủng hộ sức bền dài hạn cũng như chủ quyền của khu vực trong thời đại mà Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng./.