Ông Ebrahim Raisi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Iran trước quốc hội

Trong thời gian diễn ra buổi lễ, mọi hoạt động giao thông qua khu vực tòa nhà quốc hội Iran đều bị hạn chế, các chuyến bay qua không phận Tehran và các tỉnh lân cận gồm cũng bị tạm dừng.
Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi (thứ 2, phải) phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Tehran ngày 3/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi ngày 5/8 chính thức tuyên thệ nhậm chức trước quốc hội trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia điêu đứng vì các lệnh trừng phạt của Mỹ, cuộc khủng hoảng y tế vì đại dịch COVID-19 vẫn chưa được khắc phục và tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân vẫn đầy chông gai.

Buổi lễ tuyên thệ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình.

Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Raisi nhấn mạnh: “Tôi sẽ cống hiến hết mình để phục vụ nhân dân, vì danh dự của đất nước, việc truyền bá tôn giáo và đạo đức, và ủng hộ sự thật và công lý.”

Trong thời gian diễn ra buổi lễ, mọi hoạt động giao thông qua khu vực tòa nhà quốc hội Iran đều bị hạn chế, các chuyến bay qua không phận Tehran và các tỉnh lân cận gồm Alborz và Qazvin cũng bị tạm dừng trong 2,5 giờ.

Truyền thông nhà nước Iran đưa tin trong số các quan chức nước ngoài tham dự lễ tuyên thệ của ông Raisi tại Tehran có Tổng thống của Iraq, Afghanistan và Chủ tịch Quốc hội Nga, Nam Phi và Syria. Liên minh châu Âu (EU) cũng cử đại diện tham dự lễ nhậm chức tại Tehran là Phó Tổng thư ký kiêm nhà đàm phán hạt nhân Enrique Mora.

Ông Raisi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 18/6 vừa qua và nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 4 năm của ông đã bắt đầu từ lễ bổ nhiệm ngày 3/8 do Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei chủ trì.

Ông Raisi tiếp quản vị trí lãnh đạo Iran từ người tiền nhiệm Hassan Rouhani.

[Tổng thống đắc cử của Iran chú trọng quan hệ với láng giềng, Mỹ Latinh]

Thành tựu lớn nhất trong 2 nhiệm kỳ tổng thống vừa qua của ông Rouhani là thỏa thuận hạt nhân Iran, tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký kết năm 2015 với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức).

Hiện, Iran đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội sâu rộng kể từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt từ năm 2018.

Sau đó, Iran cũng rút hầu hết các cam kết chính nêu trong thỏa thuận.

Tiến trình đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã được nối lại từ tháng Tư tại Vienna (Áo). Vòng đàm phán thứ 6 kết thúc vào ngày 20/6 nhưng các bên chưa ấn định thời gian tiến hành vòng đàm phán tiếp theo.

Phát biểu trong buổi lễ bổ nhiệm ngày 3/8, ông Raisi cho rằng những khó khăn về kinh tế xảy ra do cả các biện pháp cấm vận cũng như những yếu kém và vấn đề tồn tại trong nội bộ quốc gia.

Ông khẳng định chính quyền mới sẽ tìm cách dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt nhưng sẽ không để các thế lực bên ngoài tác động tới quyết sách nhằm cải thiện đời sống người dân.

Hiện, Iran đang là quốc gia Trung Đông chịu tác động nặng nề nhất do đại dịch COVID-19 với hơn 4 triệu ca mắc và hơn 90.000 ca tử vong.

Trong ngày làm việc đầu tiên 4/8, ông Raisi đã chủ trì cuộc họp với nhóm chuyên trách về dịch COVID-19 và gặp một số bộ trưởng từ nội các cũ.

Theo quy định, ông Raisi có thời gian 2 tuần để đệ trình danh sách nội các mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục