Ông Kim Jong Un tuyên chiến với nạn phá rừng ở Triều Tiên

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong thông báo nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã phát động cuộc chiến chống nạn phá rừng, thực hiện cam kết tích cực tham gia vào các nỗ lực chung bảo vệ môi trường.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: Reuters)

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra tại Paris (Pháp), Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong ngày 7/12 thông báo nhà lãnh đạo nước này Kim Jong Un đã phát động cuộc chiến chống nạn phá rừng, thực hiện cam kết tích cực tham gia vào các nỗ lực chung bảo vệ môi trường toàn cầu.

Theo Ngoại trưởng Ri Su Yong, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tuyên bố cuộc chiến chống nạn phá rừng tại nước này và đề xuất một dự án quy mô lớn, "phủ xanh" tất cả các diện tích núi đồi của Triều Tiên.

Ông Ri Su Yong cũng cho biết kế hoạch trồng cây xanh quy mô lớn này sẽ được hoàn tất trong thập kỷ tới, được coi là giải pháp hiệu quả giúp nước này giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu thông qua hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nhà ngoại giao Triều Tiên cũng thông báo Bình Nhưỡng đặt mục tiêu giảm 37,4% tổng lượng khí thải CO2 so với mức từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Thực tế cho thấy lượng phát thải khí CO2 của Triều Tiên từng giảm mạnh trong những năm này, song đã dần tăng cao trong những năm gần đây.

Hiện hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang "chạy nước rút" để có thể ký kết một thỏa thuận chung về hạn chế lượng khí thải toàn cầu sau năm 2020 trước ngày 11/12 tới, nỗ lực quan trọng nhằm cứu thế giới khỏi rơi vào thảm họa khí hậu với tác động tồi tệ từ lũ lụt, hạn hán, lốc bão, nước biển dâng cao... Vấn đề gây mâu thuẫn lớn tại hội nghị là nghĩa vụ đóng góp tài chính của các nước.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cảnh báo "kim đồng hồ đang hướng đến thời khắc xảy ra một thảm họa khí hậu", và thế giới đang trông chờ vào những nỗ lực và quyết tâm của các bộ trưởng trong việc đạt được một thỏa thuận khí hậu toàn cầu.

Sau tuần đàm phán đầu tiên, các bên đã cơ bản thông qua bản dự thảo hiệp định toàn cầu về chống biến đổi khí hậu dài 48 trang, rút gọn 1/3 so với văn kiện ban đầu mà nước chủ nhà Pháp đề xuất.

Mục tiêu chính vẫn là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu tới năm 2100 ở 2 độ C so với thời kỳ thời tiền công nghiệp. Tuy nhiên, các bên tham gia COP21 vẫn chưa thể thống nhất làm thể nào để thực hiện mục tiêu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục