Ngày 18/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc, thông qua Nghị quyết quan trọng đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp 5 năm tới, đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 55 người; bầu 21 đại biểu chính thức và hai đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành đã bầu 15 người vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ XVIII; bầu 11 người vào Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Ông Lê Đình Sơn, sinh năm 1960, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh được Đại hội bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020.
Các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020.
Đại hội cũng thông qua một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu đề ra. Đó là, tập trung phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ đạo; ưu tiên đầu tư xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cảng biển lớn của cả nước, khu vực và quốc tế; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ lớn phía Tây. Thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính và công nghệ tiên tiến đầu tư Dự án khai thác và chế biến quặng sắt Thạch Khê.
Trên lĩnh vực nông nghiệp nhiệm kỳ tới, Hà Tĩnh phát triển nền nông nghiệp toàn diện, tiếp tục tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp đi vào chiều sâu, mô hình tăng trưởng mới nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực.
Tỉnh tập trung phát triển mạnh chăn nuôi lợn, bò thịt chất lượng cao, hươu; mở rộng diện tích cây ăn quả, nhất là cam chất lượng cao, bưởi Phúc Trạch; chuyển đổi diện tích trồng rừng nguyên liệu, cao su, lúa… hiệu quả thấp sang phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả, cây dược liệu.
Tỉnh quy hoạch vùng đất cát ven biển để tập trung sản xuất rau, củ, quả công nghệ mới, hiệu quả cao và nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, như tôm, cá, bào ngư... Đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội tàu đánh bắt xa bờ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế biển cả trên bờ, dưới biển và trên biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Nhiệm kỳ qua, Hà Tĩnh luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hàng năm 18%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng/năm. Đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh có bước đột phá khởi sắc, từ một tỉnh thuần nông Hà Tĩnh chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, thương mại, xây dựng. Nhiều dự án công nghiệp trọng điểm hoàn thành đi vào hoạt động, góp phần tăng năng lực sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động như Khu Liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, Nhà máy Thủy điện Hương Sơn, Nhà máy Sản xuất cọc sợi VINATEX - Hồng Lĩnh, Nhà máy Bia Sài Gòn-Hà Tĩnh.
Đến nay, toàn tỉnh có hai khu kinh tế, 19 khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút 426 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký trên 40.000 tỷ đồng và 20 tỷ USD. Riêng Khu kinh tế Vũng Áng được tập trung đầu tư, phát triển nhanh, mang tầm cỡ quốc tế, được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước quan tâm đầu tư.
Nhiều dự án lớn được triển khai thực hiện, từng bước trở thành trung tâm công nghiệp nặng và cảng biển, với các sản phẩm chủ lực, có quy mô lớn là gang thép, nhiệt điện, dịch vụ cảng biển, khẳng định vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế Hà Tĩnh, của khu vực và cả nước, góp phần quan trọng vào an ninh năng lượng, an ninh ngành thép của quốc gia.
Trong sản xuất nông nghiệp, Hà Tĩnh có bước phát triển nhanh, hình thành 8.000 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích bình quân đạt trên 70 triệu đồng/ha. Tỉnh đã xây dựng được các mô hình chăn nuôi hiệu quả cao, hình thành chuỗi liên kết sản xuất bò thịt chất lượng cao và đang triển khai xây dựng Trung tâm hươu giống quốc gia tại huyện Hương Sơn...
Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, với nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, cách làm sáng tạo, đạt kết quả toàn diện, tạo ra diện mạo mới, được Trung ương đánh giá là điểm sáng của cả nước. Đến cuối năm 2015, tỉnh có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm gần 23% tổng số xã trên địa bàn và không còn xã nào dưới tám tiêu chí./.