Ngày 19/9, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định nước này đang là nạn nhân của một cuộc "truy đuổi tài chính" trên thế giới, hậu quả của cuộc bao vây kinh tế phi lý mà Mỹ áp đặt, gây hậu quả nghiêm trọng tới đời sống của người dân quốc gia Nam Mỹ này.
Trao đổi trên truyền hình trong chương trình đối thoại của cựu Tổng thống Ecuador Rafael Correa, ông Maduro thừa nhận tình hình kinh tế của Venezuela đang hết sức khó khăn do các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ khiến cho các hoạt động kinh tế trong nước bị hạn chế và buộc Venezuela phải bước vào một giai đoạn “kinh tế kháng cự.”
Tổng thống Maduro cũng tố cáo các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo của Mỹ khiến cho Venezuela không thể mở các tài khoản ngân hàng, nhập khẩu thực phẩm và thuốc men, trong khi khoảng 30 tỷ USD tài sản của nhà nước Venezuela đang bị phong tỏa và hiện nay Washington còn đang đe dọa áp dụng biện pháp phong tỏa đường biển đối với Caracas.
[Venezuela sẽ tiếp tục kháng cự cuộc bao vây kinh tế của Mỹ]
Theo nhà lãnh đạo Venezuela, cho tới năm 2015 sản xuất dầu mỏ đem lại cho ngân sách nhà nước gần 50 tỷ USD mỗi năm, song năm 2018 ngành mũi nhọn này chỉ đạt được khoảng 4 tỷ USD.
Tổng thống Maduro chỉ rõ cuộc tấn công của Mỹ không chỉ nhằm vào một cá nhân cụ thể mà nhằm tiêu diệt một tiến trình lịch sử là công cuộc cách mạng Bolivar, song ý chí và sức mạnh của nhân dân Venezuela sẽ chiến thắng mọi âm mưu phá hoại và gây bất ổn và có ông hay không thì cách mạng Bolivar vẫn sẽ tiếp tục.
Nhà lãnh đạo cánh tả Venezuela cũng cho biết bất chấp cuộc chiến kinh tế của Mỹ và nguồn thu hạn chế, chính phủ vẫn tiếp tục triển khai các chương trình xã hội phục vụ cho tầng lớp những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, trong đó có các sứ mệnh liên quan tới giáo dục, y tế và nhà ở đã được thực hiện hiệu quả trong nhiều năm qua từ thời cố Tổng thống Hugo Chavez./.