Ngày 15/8, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã làm việc với ông Nguyễn Thanh Chấn, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và người đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp để tiến hành các thủ tục theo yêu cầu của ông Chấn về việc đề nghị bồi thường thiệt hại do bản án trái pháp luật của Tòa án.
Như tin đã đưa, ngày 6/11/2013, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ra Quyết định tái thẩm số 18/2013/HS-TT hủy bản án hình sự phúc thẩm số 1241/PTHS ngày 27/7/2004 của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 45/HSST ngày 26/3/2004 của Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang đối với ông Nguyễn Thanh Chấn; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát Nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.
Sau khi có Kết luận đình chỉ điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Chấn đã làm đơn yêu cầu đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội xem xét, giải quyết bồi thường thiệt hại theo quy định.
Tại buổi làm việc, đại diện Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã giải thích cho gia đình ông Chấn, người đại diện theo ủy quyền của ông Chấn và luật sư về trình tự, thủ tục pháp lý đề nghị bồi thường thiệt hại.
Theo đại diện Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội: Ngày 18/4, Tòa đã nhận được đơn đề nghị bồi thường thiệt hại của ông Chấn, tuy nhiên không có các chứng cứ kèm theo. Tòa đã có Công văn số 942 đề nghị ông Chấn làm đơn, hồ sơ yêu cầu bồi thường theo đúng quy định của pháp luật và gửi về Tòa để được xem xét giải quyết.
Đại diện Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội cũng đã dẫn các quy định tại Điều 34 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Điều 11 Thông tư liên tịch ngày 2/11/2012 của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự để phía gia đình ông Chấn căn cứ, thực hiện.
Đại diện Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội cũng đề nghị gia đình ông Chấn cung cấp quyết định đình chỉ điều tra bị can, các chứng từ chứng minh các khoản yêu cầu bồi thường.
Trình bày ý kiến tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Chiến - vợ ông Chấn cho biết sau khi chồng bị tù oan, con cái không được học hành; mẹ già không nơi nương tựa, không ai chăm sóc vì ông Chấn là người con duy nhất; bản thân bà bị tổn thất nặng nề về tinh thần, hiện nay sức khỏe giảm sút trầm trọng, đề nghị các cơ quan xem xét.
Ông Thân Ngọc Hoạt, người được gia đình ông Chấn ủy quyền phát biểu ý kiến, cho biết, bản thân ông Hoạt và bà Thân Thị Hải cùng vợ ông Chấn đã đồng hành đi kêu oan cho ông Chấn. Tuy nhiên, các chứng từ chứng minh chi phí trong 10 năm đi kêu oan cho ông Chấn hiện không còn do thời gian trôi qua đã nhiều năm. Tinh thần hiện nay của ông Chấn và vợ vẫn hoang mang, trí nhớ suy giảm, sức khỏe yếu.
Ông Hoạt đề nghị Tòa căn cứ vào tình hình thực tế, xem xét hợp lý, hợp tình chứ không chỉ dựa theo quy định của pháp luật để làm căn cứ bồi thường thiệt hại của ông Chấn.
Kết thúc buổi làm việc, đại diện Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đề nghị ông Chấn, người đại diện theo ủy của ông Chấn làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại kèo theo các chứng cứ đã hướng dẫn để có căn cứ xem xét giải quyết.
Theo đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại ngày 17/4 năm nay của ông Nguyễn Thanh Chấn, đề nghị bồi thường cho bản thân ông Chấn và gia đình với tổng số tiền là trên 9,2 tỷ đồng; trong đó, ông Chấn đề nghị bồi thường thiệt hại về tinh thần số ngày bị giam giữ, chấp hành hình phạt tù và không bị giam là 584.600 đồng; 2 tỷ đồng để bù đắp phần nào danh dự, nhân phẩm phải chịu suốt 10 năm tù oan.
Mặt khác, ông Chấn yêu cầu cho bản thân và vợ đi khám, giám định sức khỏe, để căn cứ vào đó xác định bồi thường theo quy định của pháp luật; tổ chức công khai cải chính xin lỗi theo đúng quy định của pháp luật vì đã kết án oan cho ông./.