Ông Trần Quốc Hoàn: Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Cách mạng Việt Nam

Sáng 21/1, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Trần Quốc Hoàn-Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Cách mạng Việt Nam.”
Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn kiểm tra một số cải tiến kỹ thuật máy thông tin liên lạc của cán bộ, chiến sỹ Phòng 2, Cục KG2, ngày 9/10/1979. Ảnh tư liệu. (Nguồn: cand.com.vn)

Sáng 21/1, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Trần Quốc Hoàn-Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và Cách mạng Việt Nam.”

Buổi tọa đàm được tổ chức nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh ông Trần Quốc Hoàn, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam (23/1/1916-23/1/2021). Dự buổi tọa đàm có đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu lịch sử, đại diện gia đình ông Trần Quốc Hoàn.

Người cộng sản kiên trung

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi cho biết ông Trần Quốc Hoàn, tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/1/1916 trong một gia đình dân nghèo ở xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Sớm chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước, năm 1930, ông tham gia tổ chức học sinh phản đế của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau đó, ông thoát ly gia đình đi làm phu mỏ chì Bo-Neng ở Lào. Tại đây, ông tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 3/1934, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Cuối năm 1934, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 8 tháng tù và 5 năm biệt xứ. Hết hạn tù, chúng đưa ông về Hà Tĩnh quản thúc. Năm 1936, đồng chí trốn ra Hà Nội, tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ, công tác ở Ban Quản trị của Báo Bạn Dân, Thời Thế, Hà Thành thời báo và tham gia các hoạt động công khai của Mặt trận dân chủ.

Năm 1937-1939, theo Chỉ thị của Đảng, ông rút vào hoạt động bí mật, tham gia Thường vụ Thành ủy Hà Nội, làm Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Đảng Cộng sản Đông Dương thành phố Hà Nội. Bị địch theo dõi, truy nã gắt gao, tháng 5/1940, ông được Đảng bố trí đi khỏi Hà Nội và nhận công tác ở cơ quan in báo Giải phóng (sau đổi thành báo Cờ Giải phóng), phụ trách Trạm giao thông của Xứ ủy và phụ trách phong trào của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

[Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nguyên Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn]

Đầu năm 1941, ông lại bị thực dân Pháp bắt đưa về Hà Nội, bị kết án 6 năm tù và 20 năm quản thúc, chúng giam tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội và lưu đày tới nhà tù Sơn La. Tại đây, ông tham gia sinh hoạt tại chi bộ Nhà tù, năm 1944, được bầu làm Bí thư Chi bộ, thay ông Lê Thanh Nghị hết hạn được ra tù.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945), ra tù, ông được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 12/1946, ông được cử làm phái viên của Trung ương ở Hà Nội. Năm 1947 là Bí thư Liên Khu ủy II. Tháng 3/1948 là Bí thư Liên Khu ủy X. Năm 1949-1952 là Bí thư Đặc Khu ủy Hà Nội. Năm 1954, ông kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Năm 1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ngày 19/8/1952, Trung ương Đảng phân công ông Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng sang phụ trách ngành Công an.

Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Năm 1972, là Ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng.

Từ năm 1961 đến năm 1980, ông tham gia Quân ủy Trung ương, cuối năm 1980, được Trung ương cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương.

Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII. Ghi nhận công lao đóng góp to lớn của ông đối với cách mạng, Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân, huy chương, phần thưởng cao quý khác.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi khẳng định cuộc đời hoạt động cách mạng và đóng góp của ông Trần Quốc Hoàn đối với cách mạng Việt Nam rất phong phú, đa dạng, to lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.

Noi gương ông Trần Quốc Hoàn, mỗi đảng viên, cán bộ cần tích cực học tập tinh thần cách mạng triệt để, học tập tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chân thành, tình yêu thương đồng chí, đồng đội và tác phong giản dị, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết. Đó chính là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hướng tới mục tiêu đưa nước Việt Nam trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều nội dung trong quá trình hoạt động cách mạng của ông Trần Quốc Hoàn như quá trình chuyển biến từ người yêu nước trở thành người cộng sản của Nguyễn Trọng Cảnh-Trần Quốc Hoàn; ông Trần Quốc Hoàn với công tác tuyên truyền, vận động cách mạng ở nhà tù Sơn La; Trần Quốc Hoàn-tấm gương người cộng sản kiên trung trong lao tù đế quốc; Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, nhà lãnh đạo tài ba, người chỉ huy, tổ chức xuất sắc mọi hoạt động trong công tác tình báo công an nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; ông Trần Quốc Hoàn, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Đánh giá về những hoạt động và cống hiến của ông Trần Quốc Hoàn trên cương vị Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng ông Trần Quốc Hoàn là người có đóng góp quan trọng vào thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 khi trực tiếp tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám tại Hà Nội. Ông Trần Quốc Hoàn đã góp phần đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi trọn vẹn và ít đổ máu.

Chia sẻ về quãng thời gian 28 năm ông Trần Quốc Hoàn chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước về lực lượng Công an Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an thuộc Bộ Công an cho rằng Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là nhà lãnh đạo tài ba, người chỉ huy, tổ chức xuất sắc mọi hoạt động công tác tình báo Công an Nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đặc biệt với định hướng chủ trương đi trước một bước, tình báo chính trị kết hợp với tình báo kinh tế, khoa học kỹ thuật được triển khai ngay từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông là người đã đặt nền móng và cơ sở khoa học cho sự phát triển và ngày càng hoàn thiện về chức năng nhiệm vụ của lực lượng tình báo chuyên nghiệp công an nhân dân.

Với tài năng và cống hiến xuất sắc, với tư cách là người chỉ đạo, tổ chức, chỉ huy điều hành công tác tình báo Công an Nhân dân, có thể khẳng định, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là một bậc thầy, nhà tình báo có tầm chiến lược của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục