Ông Trịnh Văn Quyết bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng

Vì bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo, ông Trịnh Văn Quyết bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng và bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng vì bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không báo cáo.

Đồng thời, ông Trịnh Văn Quyết còn bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng. 

Ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết, địa chỉ: B30-BT6 Đô thị Mỹ Đình 2, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

[Video] Nhìn lại vụ “bán chui” cổ phiếu FLC và Tân Hoàng Minh bỏ cọc  

Ông Trịnh Văn Quyết bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 5, điểm h khoản 5 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (Nghị định số 156/2020/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1, Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP (Nghị định số 128/2021/NĐ-CP).

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) bị phạt vì đã có hành vi vi phạm hành chính là không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết thực hiện bán 74,8 cổ phiếu FLC vào ngày 10/1/2022 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.

Bên cạnh đó, ông Trịnh Văn Quyết còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng, quy định tại điểm b Khoản 7 Điều 33 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 27 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP.

Thông tin từ cơ quan quản lý còn cho biết thêm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 18/1.

Trước đó, đại diện Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trên cơ sở báo cáo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) về việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC, giao dịch bán cổ phiếu FLC mà không báo cáo, không công bố thông tin theo quy định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhanh chóng phối hợp cùng các cơ quan liên quan để đưa ra giải pháp xử lý.

Thông tin chính thức cũng đã được công bố ngay đầu giờ sáng ngày 11/1/2022.

Tối 10/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có Quyết định số 19/QĐ-UBCK phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định.

Tiếp đó, chiều ngày 11/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo HOSE thực hiện hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10/1/2022 của ông Trịnh Văn Quyết.

HOSE hủy bỏ giao dịch này là do ông Trịnh Văn Quyết không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Đây là biện pháp chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng trên tinh thần vì sự minh bạch, lành mạnh của thị trường, cơ quan quản lý và các cơ quan liên quan đã rất khẩn trương khai triển nhiều giải pháp để ra quyết định như trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin.

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chỉ đạo HOSE, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và các công ty chứng khoán phối hợp rà soát các giao dịch đối ứng giao dịch bán từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết để hủy giao dịch.

Các giao dịch hủy bỏ là các giao dịch đối ứng với giao dịch bán cổ phiếu FLC ngày 10/1 từ tài khoản của ông Trịnh Văn Quyết.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2022 và các năm tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hơn nữa công tác giám sát giao dịch, chủ động, kịp thời phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường, giao dịch nội bộ, thao túng giá chứng khoán.

Đồng thời, đẩy mạnh phối hợp giữa Sở giao dịch chứng khoán trong giám sát, phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm trên thị trường, kịp thời tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất, theo chuyên đề và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cùng với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, phối hợp xác minh làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán; phối hợp với cơ quan quản lý trong giám sát việc tuân thủ pháp luật của các thành viên thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục