Ngày 5/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Thẩm phán liên bang James Robart "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia" khi ra phán quyết phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh với công dân từ 7 nước có đa số dân là người Hồi giáo.
Trên trang mạng Twitter, Tổng thống Trump khẳng định Thẩm phán Robart đã "đặt đất nước vào tình thế nguy hiểm" và nếu có điều gì xảy ra thì đó là lỗi của ông Robart và hệ thống tòa án.
Tổng thống Mỹ cho biết ông "đã chỉ đạo Bộ An ninh Nội địa kiểm tra những người nhập cảnh vào Mỹ rất kỹ lưỡng. Các tòa án đang khiến công việc này trở nên vô cùng khó khăn."
Trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ lật ngược phán quyết của Thẩm phán liên bang tại Seattle, James Robart công bố ngày 3/2 vừa qua, theo đó tạm bãi bỏ sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump để chờ xem xét rộng hơn về mặt pháp lý.
Phán quyết này khiến các cơ quan chính phủ Mỹ và các hãng hàng không dừng thực thi lệnh cấm vốn làm dấy lên sự phản đối cả trong và ngoài nước Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/2 thông báo sẽ tiếp tục cho phép những người có thị thực hợp lệ được nhập cảnh vào Mỹ. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng cho biết sẽ ngừng thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump yêu cầu ngừng cho người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày, cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn, và cấm công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày. Sắc lệnh này đã vấp phải sự phản đối ở cả trong và ngoài nước Mỹ.
Cuối tuần qua, nữ minh tinh Hollywood kiêm nhà hoạt động xã hội Angelina Jolie đã chỉ trích sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump, cho rằng sắc lệnh này làm tổn thương người tị nạn và gia tăng chủ nghĩa cực đoan.
Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, Jolie nêu rõ đảm bảo an ninh quốc gia là cần thiết song các quyết định nên "dựa vào thực tế."
Từ nhiều năm qua, Jolie đảm nhiệm vai trò Đặc phái viên của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn. Nữ diễn viên đã được nhận giải Oscar danh dự với những hoạt động nhân văn của mình.
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất của hãng Gallup, tại thời điểm 2 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, người dân nước này vẫn bị chia rẽ trong cách đánh giá về việc liệu truyền thông Mỹ có đưa tin khách quan về chính quyền ông Trump hay không.
Cụ thể, có 36% người Mỹ cho rằng truyền thông đã quá khắt khe với Tổng thống Trump, trong khi 31% cho rằng truyền thông đã đúng khi đưa tin về ông. Có 28% người cho rằng truyền thông đã không đủ cứng rắn, trong khi phần lớn người theo đảng Cộng hòa tin rằng truyền thông đã quá khắt khe về ông Trump.
Ngoài ra, những người theo đảng Dân chủ bị chia rẽ nhiều hơn, với việc 49% người cho rằng truyền thông đã không đủ cứng rắn, trong khi 40% cho rằng truyền thông đã đưa tin tương đối đúng.
Kết quả này có sự khác biệt so với khảo sát hồi tháng 1/2009, khi chỉ 11% người Mỹ nghĩ rằng truyền thông đã quá cứng rắn với Tổng thống đắc cử khi đó là Barack Obama./.