Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ là thất bại của giới truyền thông?

Nhà báo Isaac Chotiner cho rằng dù nhiều nhà báo đã thoái lui trong hoạt động đưa tin về ông Trump, nhưng với tư cách một thể chế, báo chí đã thất bại trong việc đối xử với sự trỗi dậy của ông.
Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ là thất bại của giới truyền thông? ảnh 1Một nhà báo ghi lại hình ảnh ông Donald Trump trong cuộc tranh luận với bà Hillary. (Nguồn: Reuters)

Trong bài viết đăng trên tờ Slate, nhà báo Isaac Chotiner viết: Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã đặt ra mối đe dọa lớn nhất về cái mà người Mỹ gọi là lối sống của chúng ta. Thái độ gàn dở coi mình là trung tâm của ông Trump, niềm say mê với chủ nghĩa độc đoán và sự khinh miệt rõ rệt của ông với sự thật kết hợp lại trở thành một nỗi hổ thẹn với mọi khía cạnh đúng đắn về văn hóa và chính trị Mỹ.

Phiên bản tự do hơn cho chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ luôn căn cứ vào niềm tin rằng mặc dù nước Mỹ có thể không bảo vệ những công dân dễ bị tổn thương nhất của mình theo cách mà các quốc gia châu Âu làm, nhưng ít nhất nó cũng được bảo vệ khỏi chủ nghĩa dân túy bài ngoại đã và đang lan tràn như một bệnh dịch tại châu lục này.

 ​

Những người giả định trước bầu cử tổng thống sơ bộ rằng các thể chế chắc chắn sẽ giúp họ tránh khỏi sự thịnh nộ và cố chấp đã được chứng minh rằng đó là một suy nghĩ ngây thơ đến nguy hiểm. Bây giờ, chúng ta sẽ phải sống trong sự trỗi dậy và chiến thắng của chủ nghĩa Trump, và điều đó đang xảy ra.

Nhà báo Isaac Chotiner cho biết, đây không chỉ là ý kiến của tôi mà còn là ý kiến của nhiều đồng nghiệp khác tại Slate và của những nhà báo tôi quen biết ở các tòa báo khác. Với những cây bút viết bài cho mục xã luận và những phóng viên không nghiêng về một ý thức hệ nào, từ ông Trump tỏa ra một sự chán ghét có thể cảm nhận rõ rệt, và kéo theo nỗi sợ hãi trước đây chưa từng được biết đến.

Tuy nhiên ban đầu, điều này không được thể hiện rõ. Mặc dù nhiều nhà báo đã thoái lui trong hoạt động đưa tin về ông Trump, nhưng với tư cách một thể chế, báo chí đã thất bại trong việc đối xử với sự trỗi dậy của ông với sự nghiêm túc mà nó đáng được nhận.

Tuy nhiên, vẫn có một khoảnh khắc ngắn ngủi mà mọi thứ đã thay đổi theo cách không thể phủ nhận. Nỗi khiếp sợ mà nhiều người trong chúng ta tự mình cảm nhận đã bắt đầu được phản ánh trong phạm vi ảnh hưởng của ông Trump và chiến dịch tranh cử của ông.

Như Margaret Sullivan, phóng viên mục truyền thông của tờ Washington Post chia sẻ, tới cuối mùa Hè, "truyền thông chính thống đã sẵn sàng nói những gì tất cả mọi người trong tòa soạn đang nói, thay vì trở nên quá cẩn thận và thận trọng và nói bằng ngôn ngữ báo chí."

Mạng lưới truyền hình, dù có hơi muộn, nhưng đã dần không còn coi ông Trump như một trò hề hay thỏi nam châm thu hút bạn xem đài, mà giống một mối đe dọa tới những giá trị và thể chế của nước Mỹ hơn.

Những tờ báo như New York Times và Washington Post đã vạch trần những hành vi và niềm tin đáng sợ của ông, từ các nỗ lực "từ thiện" mờ ám tới khuynh hướng độc tài. Trên mạng xã hội, các nhà báo lại thể hiện một sự khinh thường dành cho ông Trump mà không ai theo dõi các sự kiện chính trị tới trước năm 2016 có thể tưởng tượng ra.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta đã chứng kiến một sự thay đổi về quy chuẩn trong báo chí in chính thống, ở đó họ thoát ly khỏi suy nghĩ tương đương cũ kỹ và sai lầm và nói rằng "Ứng viên tổng thống của đảng lớn đã nói điều gì đó không phải sự thật, một lời nói dối", Nicholas Lemann, giáo sư Trường Báo chí Columbia kiêm cây bút viết bài cho tờ New Yorker chia sẻ.

Lần đầu tiên trong thế hệ này, có một cuộc tranh luận hào hứng như thế về sự lý tưởng của "cân bằng" tin tức. Có lẽ đây không phải là giải pháp đưa tin về một ứng viên đại diện cho khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc của da trắng gần như là phát xít đặc trưng kiểu Mỹ.

Đây vẫn là biện pháp tốt chừng nào nó còn được thực hiện. Nhưng trong những tuần cuối cùng của chiến dịch, sau khi các cuộc tranh luận đã diễn ra, báo chí (bao gồm cả những hãng truyền thông "cũ" như tờ Times) một lần nữa quyết định rằng cuộc bầu cử để lại hậu quả lớn nhất trong nhiều thế hệ qua nên được cho là bắt nguồn từ vụ bê bối email của bà Hillary Clinton (Một nghiên cứu nhận thấy rằng trong năm 2016, tổng số lượng bản tin chiếu ban đêm dành nhiều thời lượng để bàn về vấn đề này hơn mọi vấn đề chính sách khác gộp lại).

Nếu như vậy còn chưa đủ tồi tệ, mức độ phủ sóng của ông Trump tiếp tục bị đánh giá về khả năng "giữ vững thông điệp" tại các cuộc vận động tranh cử. Khi ông Trump tỏ ra ôn hòa, truyền thông dường như quên mất mức độ nghiêm trọng của mối nguy mà ông đặt ra.

Ngay cả Washington Post, tờ báo đã theo sát ông Trump với sự hăng hái không ai sánh bằng, tuần trước cũng đã lên tiếng chúc mừng ông đã "quay về với kịch bản."

Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ là thất bại của giới truyền thông? ảnh 2Ông Donald Trump gianh chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Sự nguy hiểm của Trump luôn có hai thành phần: Bản thân ông và xu hướng của ông. Ông Trump luôn tự cho mình là trọng tâm và hay có sự thiếu ổn định. Ông cũng sẽ là người sẽ lãnh đạo một chính phủ liên bang sở hữu vũ khí hạt nhân (và các bộ máy thu thập tình báo của NSA). Tư tưởng ông tán thành cũng không có nhiều mặt tốt đẹp, và đấy là khi ông không bận rộn khiến cho tư tưởng đó mâu thuẫn với những tuyên bố thất thường của mình.

Sự phân chia giữa Trump và chủ nghĩa Trump đặt ra hai câu hỏi cho giới báo chí. Thứ nhất, họ sẽ đưa tin về ông như thế nào. Ông không còn là một gã hề, một nhà bác học ngớ ngẩn hay một trò vui bên lề cho người khác cười vào nữa. Nhân cách lố bịch, bản ngã kỳ quặc và cái tôi vĩ đại đó, tất cả đều có lý do. Ông Trump thực sự thể hiện bản chất chính trị - và bây giờ con người đó đang nắm trong tay quyền lực rất lớn.

Đương nhiên, truyền thông rất đa diện và khó định nghĩa. Các phóng viên của New York Times và Washington Post đều là thành viên của giới truyền thông, và trong năm 2016, nhờ CNN mà Corey Lewandowski cũng đã gia nhập đội ngũ này. Báo in truyền thống xử lý sự kiện ông Trump ra tranh cử tốt hơn các kênh tin tức trên truyền hình cáp, vốn yêu thích những màn biểu diễn của ông và tỷ suất người xem đi kèm với chúng. Nhưng năm đầu tiên của ứng viên Trump là một thảm họa cho giới truyền thông, bất kể bạn có định nghĩa theo cách nào.

Chúng ta đã đối xử với ông Trump như một đối tượng để tiêu khiển và một ngôi sao của văn hóa đại chúng. Chúng ta thỉnh thoảng đứng lên bảo vệ các giá trị dân chủ khỏi sự công kích của ông, nhưng điều không lấy làm ngạc nhiên, thậm chí không thể bào chữa là chúng ta còn nhanh chân phản pháo những công kích của ông với tự do báo chí hơn với những quyền tự do khác.

Câu hỏi thứ hai là cách mà truyền thông xử lý Chủ nghĩa Trump, hiện đang là tư tưởng thống trị của đảng chính trị thống trị nước Mỹ hiện nay. Báo chí cũng không khá khẩm hơn ở mặt này, khi đưa tin tức về đảng Cộng hòa trong những năm gần đây như thể họ chỉ là một đảng chính trị bình thường trong nền dân chủ phương Tây.

Thực tế đảng này không hề và chưa bao giờ như vậy. Nhưng các phương tiện truyền thông đã quá quen với sự cân bằng và tính bình đẳng lý tưởng trong việc đưa tin về hai đảng chính ở Mỹ, và tiếp tục nói về đảng Cộng hòa như thể đảng này không thể hiện thủ đoạn và sự điên rồ của mình. Việc ông Trump tiếp quản vì thế trở thành một cú sốc, trong khi đáng ra sự kiện này nên được đặt vào ngữ cảnh từ sớm, nếu không muốn nói là được dự đoán trước.

Việc ông Trump bập bẹ những lời vô nghĩa về chủ đề thay đổi khí hậu chẳng hạn, là một biểu hiện trực tiếp về sự khinh ghét lâu đời của đảng Cộng hòa với chủ nghĩa tri thức và khoa học. Ứng viên của một đảng lớn và hiện đại công khai thể hiện quan điểm phân biệt chủng tộc là một sự mới mẻ khủng khiếp, nhưng thực tế hầu như toàn đảng Cộng hòa đều chung tay nỗ lực để ngăn người da đen đi bầu cử suốt hàng thập kỷ qua.

Trước khi có chủ nghĩa Trump, đảng Cộng hòa đã cho phép một kẻ mị dân nguy hiểm lãnh đạo, và bây giờ người đó lãnh đạo cả đất nước. Đảng Cộng hòa có thể không muốn Trump, nhưng họ đã thiết lập các điều kiện để một nhân vật kệch cỡm, thiếu năng lực và chẳng biết gì như ông được xuất hiện. Và Trump không chỉ đơn thuần áp đảo: những kẻ cơ hội và thiếu ý chí ban đầu xoa dịu ông, rồi sau đó đón chào ông. Cuối cùng, ông Trump đã nhận được sự ủng hộ của đa số các chính trị gia đảng Cộng hòa.

Trước chiến dịch này, điều hợp lý mà giới truyền thông có thể làm là cố hết sức tiếp cận với các cử tri đảng Cộng hòa - để lấy lòng tin bằng cách tỏ ra tôn trọng lựa chọn của họ. Người dẫn chương trình Brian Stelter của CNN, một trong những điểm sáng hiếm hoi trong năm nay của kênh tin tức này đã có nói rằng câu hỏi lớn đang đặt ra với giới truyền thông là họ có thể đưa tay ra với những cử tri cảm thấy cuộc sống và những mối quan tâm của họ không được các hãng tin chính thống để mắt đến hay không. Nhưng ngay cả khi điều đó khả thi - đó vẫn không phải là giải pháp.

Có lẽ đúng là có quá nhiều phóng viên mải mê với sự ấm áp tại các thành phố ven biển đã không tiếp xúc với những cử tri giúp ông Trump vùng lên. Nhưng nhiều người trong số các cử tri này, mặc dù thực sự gặp khó khăn, lại có những quan điểm không nên được ủng hộ trong nền dân chủ tự do và không thể đổ thừa tại khó khăn của nền kinh tế.

Phản ánh bức tranh về phân khúc này trong cuộc bầu cử là một công việc quan trọng, nhưng mối nguy sẽ xuất hiện khi bạn làm công việc này với một nỗ lực ương ngạnh về tính khách quan. "Nếu bạn có một bên nói rằng trái đất tròn và bên kia nói rằng trái đất phẳng, bạn sẽ không nói là "Mặc dù một số người nói trái đất tròn, những người còn lại nói là trái đất phẳng", Daniel Okrent, cựu biên tập viên đại chúng của New York Times chia sẻ.

"Bạn sẽ nói là có những người khác nói rằng trái đất phẳng. Họ đã sai, nhưng họ nói rằng trái đất phẳng và đó mới là tin tức. Nếu bạn có một đảng Cộng hòa theo chủ nghĩa dân tộc da trắng, bạn sẽ nói họ là một đảng theo chủ nghĩa dân tộc da trắng cũng như đưa tin về những phát ngôn hay hành động của họ."

Chuyện này sẽ xảy ra hay không? Khi trò chuyện với Sullivan của tờ Post đêm trước cuộc bỏ phiếu, cô ấy nói với tôi rằng có lẽ truyền thông đã có một bước ngoặt. "Tôi nghĩ rằng những gì đã xảy ra với Trump sẽ có một ảnh hưởng lâu dài," cô nói. "Một số giới hạn đã được vượt qua." Theo cô, sự vượt qua này kéo theo việc "phải thẳng thắn và táo bạo hơn trong việc gọi tên sự việc như ta thấy chúng. Tôi nghĩ rằng đó là một sự phát triển hoàn toàn tốt đẹp. "

Lemann cũng đồng tình và cho rằng sự thay đổi không hoàn toàn có nguyên do từ ông Trump. "Trump góp sức một phần, và phần nữa là thế giới truyền thông đang thay đổi rất nhanh chóng.”

Khía cạnh lạ kỳ nhất của cuộc bầu cử này là cách nó khiến bạn cảm thấy như thể mọi thứ đang thay đổi dưới chân bạn - và rồi chẳng có gì sẽ thay đổi. Điều đó chắc chắn đúng đối với báo chí: Mỗi khi bạn nghĩ rằng báo chí đã có bước ngoặt, nó lại quay về hiện trạng cũ.

Đảng Cộng hòa đã trở thành một đảng cực đoan trong khi chẳng có mấy hãng tin gọi họ như vậy, và giờ họ đã đưa một kẻ tập sự với thái độ khinh thị nền dân chủ vào Nhà Trắng. Nếu chúng ta giả vờ rằng mình đang không đứng giữa một cuộc khủng hoảng cả trong nước và quốc tế, chúng ta cũng sẽ trở thành những kẻ đồng lõa trong chuyện này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục