Ngày 13/6, Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Haitham Al Ghais cho biết không có dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh trong dài hạn.
Dự kiến đến năm 2045, nhu cầu sẽ tăng đến 116 triệu thùng/ngày, hoặc cao hơn.
Tuy nhiên, ngày 12/6, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo cho thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh vào năm 2029, chững lại ở mức khoảng 106 triệu thùng/ngày vào cuối thập kỷ này.
Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ sẽ bắt đầu giảm vào năm 2030, khi Mỹ và các nước khác ngoài OPEC tăng sản lượng.
Tổng thư ký OPEC Al Ghais nhận định báo cáo của IEA là một "bình luận nguy hiểm, đặc biệt đối với người tiêu dùng và sẽ dẫn đến biến động năng lượng ở quy mô chưa từng có."
Ông cho biết những dự báo tương tự trước đây đã được chứng minh là sai, chẳng hạn như dự báo của IEA về nhu cầu xăng vào năm 2019 hoặc nhu cầu về than đá vào năm 2014. Ông nhấn mạnh đây là một kịch bản phi thực tế, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Kể từ cuối năm 2022, OPEC và các nước đối tác (OPEC+) đã thực hiện nhiều đợt cắt giảm mạnh sản lượng để hỗ trợ thị trường. Các thành viên OPEC+ đang cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu.
Đợt cắt giảm hiện nay bao gồm 3,66 triệu thùng/ngày đã được nhất trí hồi đầu tháng này./.
Dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu của OPEC kéo giá dầu tăng nhẹ
Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 15 xu Mỹ, hay 0,2%, lên 82,75 USD/thùng; giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 12 xu, hay 0,2%, lên 78,62 USD/thùng, đều tăng gần 1% so với phiên trước.