Pakistan cảnh báo nguy cơ chiến sự tại khu vực tranh chấp Kashmir

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi loại trừ khả năng đối thoại với Ấn Độ để giải quyết căng thẳng, ông gợi ý rằng việc Mỹ đảm nhận vai trò trung gian sẽ rất quan trọng.
Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi phát biểu tại cuộc họp báo ở Islamabad ngày 16/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi phát biểu tại cuộc họp báo ở Islamabad ngày 16/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/9, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi đã cảnh báo tình hình tại khu vực Kashmir tranh chấp với Ấn Độ đang làm dấy lên nguy cơ chiến sự bất ngờ bùng phát.

Pakistan kêu gọi Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet tới thăm khu vực bất ổn này.

Phát biểu với báo giới bên lề Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC), Ngoại trưởng Qureshi cho rằng cả Pakistan và Ấn Độ đều hiểu rõ hậu quả của xung đột.

Tuy nhiên, với căng thẳng leo thang như hiện nay, ông nhấn mạnh không thể loại trừ nguy cơ chiến sự bất ngờ bùng phát.

Ông đã kêu gọi UNHRC mở cuộc điều tra quốc tế, đồng thời mời bà Bachelet tới thăm khu vực Kashmir tranh chấp giữa Pakistan và Ấn Độ.

Ông Qureshi cho biết bà Bachelet cũng bày tỏ mong muốn tới thăm Kashmir, song văn phòng của bà vẫn chưa xác nhận thông tin này.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Pakistan cũng loại trừ khả năng đối thoại song phương để giải quyết căng thẳng.

[LHQ hối thúc Ấn Độ và Pakistan đối thoại giải quyết vấn đề Kashmir]

Theo ông, một diễn đàn đa phương hoặc bên trung gian thứ ba sẽ đóng vai trò quan trọng trong tình hình hiện nay.

Ông gợi ý rằng việc Mỹ đảm nhận vai trò trung gian sẽ rất quan trọng vì tầm ảnh hưởng lớn của Mỹ tại khu vực.

Trong khi đó, phía Ấn Độ khẳng định tình hình tại Kashmir là vấn đề nội bộ của nước này, đồng thời bác bỏ mọi sự can thiệp của quốc tế.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, Pakistan đã đệ trình tuyên bố chung về vấn đề Kashmir lên UNHRC.

Tuyên bố này nhận được sự ủng hộ của 60 quốc gia. Văn bản tuyên bố chung được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Pakistan nhưng không công khai danh tính của các quốc gia ủng hộ.

Quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân Nam Á hiện đang hết sức căng thẳng liên quan đến khu vực Kashmir sau khi Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind ký ban hành Đạo luật chia tách bang Jammu và Kashmir, khiến Pakistan tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ hoạt động thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc.

Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện khu vực này được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ trên.

Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sỹ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng khu vực, đồng thời hối thúc Ấn Độ và Pakistan giải quyết vấn đề Kashmir thông qua đối thoại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.