Theo phóng viên Vietnam+ tại Nhật Bản, Công ty công nghệ Active Link thuộc Tập đoàn điện tử Panasonic chính thức công bố các mẫu khung robot hỗ trợ hoạt động của con người.
Tại lễ ra mắt ngày 2/6, Panasonic đã tung ra ba thiết bị khung robot chủ lực hiện đang được Active Link phát triển, bao gồm chân robot đi lại phiên bản PLL-04 (Power Loader light) Ninja, cánh tay robot hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp do Active Link hợp tác phát triển với Tập đoàn Kubota và khung robot hỗ trợ mang vác vật nặng PLL-01E.
Mục đích chính mà Active Link muốn hướng tới là hỗ trợ hoạt động của con người, đặc biệt là tạo ra hiệu suất cao trong lao động, mở ra cơ hội việc làm cho nhiều người bất kể giới tính, sức khoẻ và tuổi tác. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh xã hội Nhật Bản đang bị già hóa dân số và thiếu hụt lao động trầm trọng.
Active Link được thành lập vào tháng 6/2003 với vốn đầu tư lên tới 224 triệu yên, trong đó nắm giữ 79,6% cổ phần trong khi công ty Mitsui đồng sở hữu chiếm 19,6%.
Chủ tịch Active Link, ông Hiromichi Fujimoto cho biết: “Mục đích của chúng tôi là mang đến cho thế giới các thiết bị giúp làm gia tăng sức mạnh cơ bắp cho con người. Chúng tôi khám phá ra những ranh giới mới trên nhiều lĩnh vực khác nhau như các ứng dụng thực tiễn về y tế và nghiên cứu.”
Theo ông Fujimoto, Active Link đang đi sâu nghiên cứu khung xương robot cường lực.
Với trọng lượng 15kg, PLL-04 Ninja hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động đi lại của người sử dụng với tốc độ đi bộ theo thiết kế khoảng 12km/giờ.
Môtơ của PLL-04 Ninja tạo lực hỗ trợ giúp người sử dụng dễ dàng di chuyển hơn theo hai phương thức cơ bản là “kiểm soát hỗ trợ đi bộ chủ động” và “kiểm soát đi bộ bị động”.
Chân người sử dụng có thể di chuyển một cách tự nhiên về phía trước khi đi bộ nhờ thiết bị hỗ trợ đi bộ hybrid. Thiết bị hỗ trợ đi bộ hybrid được coi là thiết bị đầu tiên trên thế giới theo điều tra hồi tháng 4/2014 của hãng.
Thiết kế của Ninja khá đơn giản, nó có sức mạnh phi thường nhưng lại tiêu tốn ít năng lượng. Tuy nhiên, Active Link vẫn đang nỗ lực giảm bớt trọng lượng của khung robot xuống dưới 15kg và tạo thiết kế nhỏ gọn hơn cho Ninja, bao gồm cả bộ pin và phần thân trên.
Cánh tay robot trợ lực ARM-1 là một điểm nhấn khác của buổi ra mắt. ARM-1 là sản phẩm đáp ứng yêu cầu đặt hàng từ Tập đoàn cơ khí Kubota với mục đích hỗ trợ người nông dân thu hoạch hoa quả, nâng cao hiệu suất lao động.
Với thiết kế nhỏ gọn và khá nhẹ, ARM-1 tạo điểm tựa cho cẳng và khuỷu tay, được cho là bộ phận dễ mỏi nhất khi phải duy trì liên tục động tác vươn và với trong một khoảng thời gian dài, mà ví dụ cụ thể là công việc thu hoạch táo và quýt.
Thiết bị gây ấn tượng hơn cả là bộ khung hỗ trợ nâng vật nặng PLL-01E (Power Loader light) sử dụng đã lĩnh vực tại các nhà máy, dây chuyền phân phối và nông nghiệp. PLL-01E hỗ trợ người sử dụng nâng vật thể có trọng lượng từ 30-100kg một cách dễ dàng.
Thiết bị gây ấn tượng hơn cả là bộ khung hỗ trợ nâng vật nặng PLL-01E (Power Loader light) sử dụng đã lĩnh vực tại các nhà máy, dây chuyền phân phối và nông nghiệp. PLL-01E hỗ trợ người sử dụng nâng vật thể có trọng lượng từ 30-100kg một cách dễ dàng.
Thiết bị có trọng lượng khoảng 30kg và tốc độ di chuyển tối đa 4km/giờ. PLL-01E còn có thể giúp người sử dụng lên xuống cầu thang một cách dễ dàng nhờ khung xương trợ lực cho chân.
Active Link cho biết Thiết bị hiện vẫn đang được phát triển và cải tiến theo hướng gọn nhẹ và nâng cao hiệu suất tác nghiệp cho người sử dụng.
Với hiệu quả tối ưu về điện năng cùng các nghiên cứu thực tiễn, khung robot hỗ trợ có thể sẽ là một trong những thiết bị của tương lai mà Panasonic tập trung nghiên cứu và phát triển.
Điều này hứa hẹn mở ra một chân trời mới đầy tiềm năng cho thị trường lao động của Nhật Bản trong một tương lai không xa, nơi mà người lao động sẽ được đối xử một cách bình đẳng và phát huy hiệu suất công việc một cách tối đa bất kể tuổi tác, giới tính và điều kiện sức khỏe./.
(Vietnam+)