Theo trang mạng eastasiaforum.org, ông Chung-in Moon, giáo sư nổi tiếng của Đại học Yonsei, đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Mạng lưới lãnh đạo khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân, mới đây đã có bài viết đề xuất cách thức phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, đăng trên mạng tin East Asia Forum.
Dưới đây là nội dung cụ thể:
Việc luân phiên thay đổi giữa khủng hoảng và hòa bình đã trở thành đặc trưng của bán đảo Triều Tiên trong suốt 3 năm qua.
Năm 2017, lo ngại gia tăng sau khi Triều Tiên thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu hồi tháng 9 và bắn thử 15 tên lửa đạn đạo, trong đó có tên lửa đạn đạn liên lục địa (ICMB) Hwasong-15, vào tháng 11.
[Triều Tiên: Sẵn sàng đối thoại với Mỹ bất cứ ở đâu và lúc nào]
Căng thẳng trở nên tồi tệ hơn khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp lại bằng đe dọa Triều Tiên sẽ phải hứng chịu "lửa và cơn thịnh nộ."
Tình hình đảo ngược hoàn toàn vào năm 2018. Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang được tổ chức hồi tháng 2/2018 đã dẫn tới một loạt hội nghị thượng đỉnh - hội nghị thượng đỉnh Panmunjom hồi tháng 4, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên được tổ chức ở Singapore vào tháng 6, và hội nghị thượng đỉnh Bình Nhưỡng vào tháng 9.
Cả ba hội nghị này nhấn mạnh việc cải thiện quan hệ liên Triều, cam kết sẽ đạt được một cơ chế hòa bình lâu dài và những hứa hẹn về việc hoàn tất quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Phần lớn người dân trên bán đảo Triều Tiên đều rất tin tưởng rằng hòa bình đang đến rất gần.
Tinh thần lạc quan này đã cạn kiệt dần khi hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra hồi tháng 2/2019 không đem lại bất kỳ kết quả cụ thể nào.
Tại Hà Nội, Mỹ đã đề xuất một thỏa thuận mà theo đó Triều Tiên trước hết sẽ dỡ bỏ các tên lửa, vũ khí hạt nhân và sinh-hóa học. Đổi lại, Mỹ hứa hẹn về một tương lai tươi sáng cho nền kinh tế Triều Tiên.
Tuy nhiên, Triều Tiên đã bác bỏ đề nghị này, thay vào đó Bình Nhưỡng một mực gắn chặt với nguyên tắc "hành động đổi hành động," mong muốn hai bên cùng đồng thời hành động và tăng dần lên.
Triều Tiên đưa ra đề xuất rằng nước này sẽ hoàn tất việc dỡ bỏ tất cả các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon, và yêu cầu nới lỏng từng phần 5 lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vốn đang gây ảnh hưởng tới nền kinh tế của Triều Tiên kể từ năm 2016.
Đề xuất của Triều Tiên khá cụ thể, và nước này thực sự mong muốn đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai nước rất lớn, và hội nghị đã đổ vỡ. Bình Nhưỡng gặp rất nhiều khó khăn vì sự thất bại của hội nghị Hà Nội, vốn làm cho quan hệ Mỹ-Triều và quan hệ liên Triều trở nên căng thẳng.
Cuộc gặp bất ngờ Trump-Kim ở Panmunjom hồi tháng 6/2019 đã mở ra một "cách cửa" cơ hội khác. Các cuộc đàm phán cấp làm việc Mỹ-Triều được tổ chức ở Stockholm vào tháng 10, nhưng những đánh giá về các cuộc đàm phán này lại trái ngược nhau.
Đại diện phía Triều Tiên, Kim Myong-gil, tuyên bố rằng đàm phán thất bại vì Mỹ không đem tới một cách tiếp cận mới và Triều Tiên đã "phát ớn" không muốn tiếp tục thảo luận nữa.
Mỹ đã bác bỏ điều này trong một thông cáo báo chí, khẳng định rằng Mỹ đã "đưa ra những ý tưởng sáng tạo và đã có các cuộc thảo luận tốt đẹp." Mỹ cũng chấp nhận lời mời của chính phủ Thụy Điển tới tham dự một vòng đàm phán khác với Triều Tiên.
Điều gì không ổn đã xảy ra ở Stockholm? Có lẽ đây là một động thái ngoại giao nhằm trả đũa của Triều Tiên.
Việc Tổng thống Trump trước đây đã bác bỏ đề xuất của ông Kim Jong-un và bất ngờ hủy bỏ bữa tiệc trưa đã được lên kế hoạch từ trước ở Hà Nội là một sự lăng mạ lớn đối với nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên.
Một động thái trả đũa có thể đã được Bình Nhưỡng tính toán để đáp lại việc bị bẽ mặt ở Hà Nội. Hành động trả đũa ngoại giao như vậy không phải là điều hiếm thấy trong cách hành xử của Bình Nhưỡng.
Phạm vi phi hạt nhân hóa cũng là một vấn đề nữa gây căng thẳng. Theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy, trong đó có báo Yomiuri Shimbun (một trong 5 tờ báo quốc gia của Nhật Bản), Mỹ yêu cầu Bình Nhưỡng cam kết chuyển giao toàn bộ vũ khí, nguyên liệu hạt nhân, và các ICBM cho Mỹ, đồng thời phải dỡ bỏ tất cả các cơ sở có liên quan tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân hay hóa học và các tên lửa đạn đạo.
Mỹ cũng yêu cầu Bình Nhưỡng phải hoàn tất việc phá hủy tất cả các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon, tuyên bố và cam kết tháo dỡ những cơ sở hạt nhân bí mật ở nhiều nơi khác, và đóng băng toàn bộ các hoạt động hạt nhân. Những yêu cầu như vậy là không thể chấp nhận được đối với Triều Tiên.
Nhiều nhất thì Bình Nhưỡng chỉ có thể đề xuất lại "lá bài" Yongbyon, vốn đã từng được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội.
Những mong muốn trái ngược nhau về các biện pháp đáp lại tương ứng cũng là một nguyên nhân gây ra tranh cãi. Theo tin đã đưa, Mỹ đề xuất tạm thời nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu đối với than đá và mặt hàng dệt may, nối lại viện trợ nhân đạo và chấp nhận tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.
Cũng có tin đồn rằng Mỹ đã đưa ra kế hoạch chi tiết để phát triển khu du lịch phức hợp Kalma, dự án lớn nhất của ông Kim Jong-un, với việc sẽ huy động vốn quốc tế. Bình Nhưỡng đã thẳng thừng bác bỏ kế hoạch này, lập luận rằng Mỹ thậm chí còn chưa đáp lại những nỗ lực thể hiện thiện chí của Triều Tiên, ví dụ như dừng các vụ thử hạt nhân và ICBM kể từ năm 2018.
Tháng 10/2019, Triều Tiên tuyên bố rằng nước này không quan tâm tới việc trở lại bàn đàm phán, trừ phi "Mỹ có những bước đi đáng kể để rút lại chính sách thù địch của mình một cách hoàn toàn và không thể đảo ngược."
Bình Nhưỡng không muốn những nhượng bộ nhỏ, mà mong đợi một sự nhượng bộ lớn nhằm chấm dứt tình trạng thù địch hiện nay thông qua việc bình thường hóa ngoại giao và gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Khoảng cách giữa Bình Nhưỡng và Washington còn rất lớn. Cả hai bên cần thay đổi cách thức đàm phán "cho ít và nhận nhiều" như hiện nay để đạt được một sự thỏa hiệp.
Liên quan tới vấn đề này, xây dựng niềm tin dường như là điều quan trọng nhất. Sự tin tưởng chỉ có thể được xây dựng dựa trên nền tảng những câu chuyện thành công, cho dù đó chỉ là những thành công rất nhỏ. Bình Nhưỡng có thể mời các thanh sát viên quốc tế tới bãi thử Punggye-ri đã bị phá hủy, tháo dỡ cơ sở thử động cơ và bệ phóng tên lửa ở Tongchang-ri, hủy bỏ tất cả các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon, tuyên bố và cam kết sẽ dỡ bỏ những cơ sở hạt nhân bí mật khác.
Mỹ nên đáp lại bằng việc đề xuất thiết lập văn phòng liên lạc ở hai nước, đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung, đàm phán hiệp định hòa bình và nới lỏng từng phần các lệnh trừng phạt hiện nay, bao gồm cả việc mở cửa lại khu công nghiệp Kaesong và dự án du lịch Núi Kumgang.
Chỉ khi đó mới có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể xác minh để đổi lấy việc rút lại hoàn toàn và không thể đảo ngược các chính sách thù địch, cùng với một lộ trình và thời gian biểu cụ thể.
Việc hứa hẹn suông về "một tương lai tươi sáng hơn cho nền kinh tế Triều Tiên" không thể đủ sức thuyết phục Bình Nhưỡng. Những sự bảo đảm an ninh như bình thường hóa ngoại giao và các thỏa thuận không xâm lấn lẫn nhau là những điều cần được đưa ra ngay từ ban đầu, chứ không phải vào cuối tiến trình đàm phán.
Và dường như chắc chắn rằng Triều Tiên sẽ không có bất kỳ nhượng bộ đáng kể nào nếu không có những biện pháp đáp lại tương ứng về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt.
Đạt được một sự thỏa hiệp như vậy sẽ không phải là điều dễ dàng, trong bối cảnh tiến trình luận tội Tổng thống Trump sắp diễn ra, còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang cảm thấy vô cùng thất vọng. Tuy nhiên, ý chí chính trị mạnh mẽ của cả hai nhà lãnh đạo sẽ giúp đem lại sự lạc quan./.