Trung Quốc quả quyết rằng nước này đã hỗ trợ một cách đầy vị tha cho những nước đang phát triển bị đại dịch hoành hành bằng cách xuất khẩu lượng vaccine ngừa COVID-19 ngang bằng với số vaccine đang tiêm ở trong nước.
Cùng lúc, truyền thông tung hô những liều vaccine do Trung Quốc sản xuất như là “thứ hàng hóa phổ thông toàn cầu.”
Bài viết mới đây trên trang asiatimes.com đã có những đánh giá về chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc và nhận định rằng Trung Quốc đang chiếm ưu thế trước Mỹ trong lĩnh vực này.
Trung Quốc đã bán hoặc tặng 700 triệu liều vaccine ra toàn thế giới, trong khi Mỹ mới xuất khẩu khoảng 3 triệu liều.
Hành động của Trung Quốc dường như trái ngược hoàn toàn với các nước Phương Tây, gồm cả Mỹ, những nước đã cáo buộc tình trạng tích trữ vaccine trong khi các đợt bùng phát dịch mới đang tàn phá phần lớn thế giới đang phát triển, trong đó có châu Á.
Một nghiên cứu hồi tháng 11/2020 cho thấy trong các cam kết mua 7,48 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, phân nửa số này được chuyển đến cho 14% dân số thế giới, chủ yếu sống ở các nước thu nhập cao.
Vào cuối tháng 2/2021, 1/3 trong số vaccine được phân phối đã được tiêm ở Mỹ và Anh, hai trong số những nước bị tác động nặng nhất trong giai đoạn đầu đại dịch.
Trong khi đó, cho đến nay, Trung Quốc đã cung cấp hơn 700 triệu liều vaccine tới hơn 90 nước. Nhiều quốc gia trong số này chưa có cơ hội đặt mua vaccine do các hãng phương Tây sản xuất, hoặc chưa nhận được vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân phối theo cơ chế COVAX cho những nước nghèo.
Hoạt động xuất khẩu vaccine của Trung Quốc đang ngày càng mang ý nghĩa trọng đại sau khi Ấn Độ - một nhà sản xuất vaccine lớn - buộc phải dừng hoạt động xuất khẩu vaccine hồi đầu tháng 5/2021 để tập trung giải quyết thảm kịch COVID-19 bùng nổ trong nước, nơi có hơn 350.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, phá vỡ những kỷ lục trước đây của thế giới.
Bán nhiều hơn tặng
Tuy nhiên, câu chuyện về cuộc giải cứu toàn cầu của Trung Quốc được xây dựng nên nhờ vào hình ảnh "có độ phân giải khá thấp" về sự thật.
Ví dụ, phần lớn vaccine do Trung Quốc sản xuất được sử dụng ở Đông Nam Á là được bán nhiều hơn là quyên tặng, một sự khác biệt mà không phải lúc nào cũng được các chính phủ và báo chí trong khu vực làm rõ.
[WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm]
Theo thống kê của Bridge Consulting, tính đến đầu tháng 5/2021, Trung Quốc đã tặng 16,5 triệu liều vaccine và bán 691 triệu liều tới 84 nước.
Campuchia, một trong những nước đồng minh chủ chốt của Bắc Kinh ở Đông Nam Á và giờ đây là nước tổ chức tiêm chủng nhiều thứ nhì ở khu vực, nhận được 1,7 triệu liều vaccine Sinopharm miễn phí từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Campuchia cũng trả 10 USD/liều để nhận được 10 triệu liều Sinovac theo kế hoạch, được chuyển làm nhiều đợt, mỗi đợt chuyển giao khoảng 500.000 liều.
Theo thống kê của Đại học Tổng hợp Duke (Mỹ), Indonesia đã mua lượng vaccine Sinovac nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào (125 triệu liều).
Hôm 7/5/2021, WHO chính thức phê chuẩn Sinopharm là vaccine an toàn và tin cậy, đồng thời khẳng định vaccine này sẽ sớm được cung cấp tới các nước đang phát triển thông qua cơ chế COVAX.
Điều này đã giúp nâng cao danh tiếng đáng kể cho các loại vaccine do Trung Quốc sản xuất, vốn trước đây được coi là kém chất lượng hơn so với những sản phẩm do phương Tây sản xuất như Moderna, Pfizer-BioNTech và Johnson & Johnson.
Nếu có thêm nhiều vaccine Sinopharm được quyên tặng cho các nước thông qua cơ chế COVAX, điều này chắc chắn sẽ làm giảm sút đi ít nhiều hiệu quả của chiến lược “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc.
Ví dụ, các đại sứ Trung Quốc tại Campuchia và Lào sẽ không thể có được ảnh hưởng với công chúng như hiện nay nếu vaccine Sinopharm được cung cấp thông qua cơ chế COVAX.
Bên cạnh đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), những nhà tài trợ chủ chốt cho sáng kiến COVAX, hiện vẫn chưa thể gia tăng danh tiếng của mình ở các nước nhận viện trợ.
Các chuyến hàng vaccine được chuyển tới các nước theo cơ chế COVAX được gắn logo của Liên hợp quốc, thay vì quốc kỳ của các nước tài trợ.
Vì vây, đó có thể là nguyên nhân khiến Trung Quốc chỉ cam kết cung cấp 10 triệu liều vaccine cho COVAX, so với hơn 700 triệu liều họ đã xuất bán trên tư cách song phương.
Giám đốc Trung tâm chính sách y tế toàn cầu thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế (CSIS-Mỹ) J Stephen Morrison nhận định: “Họ không muốn gộp sự hào phóng của mình vào những sản phẩm dưới mác của Liên hợp quốc. Trung Quốc đang trong một giai đoạn lịch sử và muốn những nước nhận viện trợ phải biết rằng đây là hàng do Trung Quốc chuyển giao.”
Trung Quốc có thể sẽ cần phải cân bằng sự kỳ vọng của thế giới và trong nước, đặc biệt nếu nhu cầu vaccine trong nội địa tăng lên khi dịch bệnh lại bùng phát trở lại ở những quốc gia láng giềng, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cho tới nay, Trung Quốc đã được tận hưởng điều mà một số nhà phân tích gọi là “giai đoạn vàng” của ngoại giao vaccine. Điều này hàm ý tới quan điểm của thế giới đang phát triển rằng phương Tây đang tích trữ nguồn vaccine trong khi Trung Quốc ưu tiên tặng hoặc bán vaccine cho nước ngoài.
Chiến dịch tiêm vaccine trong nước của Trung Quốc được khởi động một cách chậm rãi, một phần nhờ vào tỷ lệ lây nhiễm thấp ở Đại lục.
Chính sách “câu giờ”
Theo thống kê của Our World in Data, tính đến ngày 12/5, Trung Quốc đã tiêm chủng cho hơn 354 triệu công dân nước này.
Mục tiêu mới nhất của Trung Quốc là đến tháng 6/2021 sẽ tiêm chủng được cho 40% dân số, tương đương 560 triệu người.
Một số chuyên gia hoài nghi rằng Trung Quốc sẽ phải chật vật để đạt được mục tiêu này, dù vậy điều đó có thể đúng hoặc là sai. Trung Quốc khẳng định nước này có thể sản xuất 5 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc muốn tăng tốc chiến dịch tiêm chủng của mình để đạt được các mục tiêu nói trên, họ sẽ phải có những quyết định khó khăn giữa vấn đề đối ngoại và đối nội.
Trong bài phân tích trên trang Nikkei Asia hồi tháng 4/2021, hai học giả Samantha Kiernan và Yanzhong Huang nhận định: “Khi chương trình tiêm chủng vaccine ở trong nước sử dụng phần lớn - chứ không phải là tất cả - nguồn vaccine của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ phải thu hẹp chương trình ngoại giao vaccine trong những tháng tới, hoặc bằng cách trì hoãn phân phối, dừng bổ sung hợp đồng và viện trợ, hoặc là cả hai. Những biện pháp trì hoãn cung cấp vaccine này có thể chỉ là tạm thời, song chúng có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chương trình ngoại giao vaccine dài hạn của Trung Quốc, bởi các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ dần chuyển từ nước tiêu thụ vaccine sang nước cung cấp vaccine."
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Airfinitiy có trụ sở ở London, tính đến tuần trước, Mỹ sản xuất khoảng 333 triệu liều vaccine nhưng chỉ xuất khẩu khoảng 3 triệu liều.
Hôm 17/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ “tặng” 80 triệu liều vaccine vào cuối tháng 6/2021.
Trước đó, lời hứa của Mỹ về việc xuất khẩu 60 triệu liều AstraZeneca đã không thể xoa dịu những chỉ trích do Mỹ không phê chuẩn loại vaccine này.
Giờ đây, Mỹ lại khẳng định sẽ xuất đi 20 triệu liều vaccine do Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson sản xuất.
Tương tự, EU cũng không thể giữ đúng lời hứa tặng vaccine, tuy nhiêu điều này có thể sẽ thay đổi vào mùa Hè này khi tỷ lệ tiêm chủng dự kiến sẽ tăng trên toàn châu lục.
Chính sách ngoại giao vaccine của Bắc Kinh có phải nhằm mục đích chinh phục trái tim và lý trí của những nước đang phát triển, trong đó có những khu vực như Đông Nam Á, hay không?
Hay thay vào đó, chính sách ngoại giao vaccine của nước này là nhằm đạt được những nhượng bộ ngoại giao như một sự trao đổi hay không?
Cho tới nay, hầu như không có bằng chứng cho thấy chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc thu về những lợi ích đáng kể cho tham vọng địa chính trị của nước này.
Hiện chỉ có một vài thành quả lẻ tẻ. Đáng chú ý, Brazil đã rút lại sự phản đối ban đầu đối với việc tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng không dây 5G ở nước này vào đúng thời điểm Brazil nhận được vaccine Trung Quốc.
Honduras - một trong số ít quốc gia duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, hòn đảo vốn bị Bắc Kinh coi là một tỉnh nổi loạn - đã thông báo có thể mở văn phòng tại Bắc Kinh để nước này có thể nhận được vaccine do Trung Quốc sản xuất.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc được cho là đang gây sức ép với những nước như Paraguay và Guatemala để buộc những nước này cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chấp nhận chính sách “một Trung Quốc” để đổi lấy vaccine.
Mỹ đã chộp lấy cơ hội để chỉ trích việc đổi vaccine lấy những ưu đãi vốn rất rõ ràng này.
Mới đây, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc với những nước Mỹ Latinh khi phát biểu: “Chúng tôi lên án hành vi lạm dụng viện trợ y tế một cách vô đạo đức để thúc đẩy các chương trình nghị sự chính trị hẹp hòi của của một số nước viện trợ.”
Cùng lúc, chính sách ngoại giao phi vaccine của Trung Quốc liên quan tới đại dịch hồi năm ngoái dường như không giúp nâng cao đáng kể danh tiếng quốc tế của Trung Quốc.
Trên thực tế, việc bán đồ bảo hộ y tế với giá cao chỉ khiến Trung Quốc hứng chịu những lời chỉ trích và sự oán hận.
Theo cuộc thăm dò do Viện ISEAS tiến hành tại Đông Nam Á, phỏng vấn những người tri thức và có ảnh hưởng tới dư luận, khi được hỏi quốc gia nào hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho khu vực này trong đại dịch hồi năm ngoái, 44% số người được hỏi cho rằng là Trung Quốc, 18,2% nói là Nhật Bản và 9,6% trả lời là Mỹ.
Tuy nhiên, khi được hỏi khi quốc gia họ có bị buộc làm đồng minh với Mỹ hoặc Trung Quốc hay không, 61,5% số người được phỏng vấn chọn Mỹ trong năm 2020 (tăng so với mức 53,6% của năm 2019). Những người ủng hộ Trung Quốc đã tụt từ mức 46,4% trong năm 2019 xuống 38,5% năm 2020.
Trong một vài trường hợp, việc chấp nhận viện trợ vaccine của Trung Quốc mang tính hai mặt.
Dù Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte bày tỏ “lòng biết ơn” đối với Trung Quốc vì đã viện trợ vaccine, nhưng điều đó không ngăn cản Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr có lời lẽ xúc phạm Trung Quốc trên Twitter liên quan tới những tranh chấp trên Biển Đông.
Thái Lan, một quốc gia chậm chạp trong chiến dịch tiêm chủng, đã chấp nhận Sinovac và đang sử dụng vaccine này cho các nhân viên y tế và công chức tuyến đầu. Tuy nhiên, nhiều người Thái Lan đang chờ đợi chính phủ phê chuẩn các loại vaccine do phương Tây sản xuất để được tiêm.
Trong thời điểm cả thế giới vật lộn tranh giành vaccine, không có chính phủ nào từ chối lời đề nghị vaccine của Trung Quốc. Tuy nhiên, về dài hạn, điều đó không nhất thiết đồng nghĩa với việc chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc sẽ chiếm lợi thế trước Mỹ trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu./.