Trang mạng eurasiareview.com đưa tin tại một hội thảo gần đây về đối thoại các nền văn minh châu Á ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói: “Chúng ta đang tiến tới một thế giới đa cực, toàn cầu hóa kinh tế, đa dạng văn hóa và số hóa xã hội.”
Ít nhất trong 10 năm qua, giới chuyên gia về các vấn đề toàn cầu đã đề cập về sự chuyển đổi hệ thống toàn cầu sang một thế giới đa cực, dù khái niệm này đã xuất hiện từ trước đó rất lâu.
Tuy nhiên, những diễn tiến gần đây cho thấy thế giới dường như đang thực sự chuyển đổi sang một trật tự hai cực mới, gồm đại diện là Washington và Bắc Kinh.
[IMF: Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nguy hại cho tăng trưởng toàn cầu]
Giới chuyên gia quan hệ quốc tế miêu tả Chiến tranh Lạnh đặt hệ thống quốc tế vào thế lưỡng cực, với thế giới phần lớn bị phân chia giữa Mỹ và Liên Xô.
Các nước khác “đi theo” một trong hai cường quốc trên hoặc “đi theo” phong trào không liên kết quy mô nhỏ. Sau đó, sự sụp đổ của Liên Xô đã mở ra một thời kỳ đơn cực với Mỹ là siêu cường duy nhất.
Trong những năm gần đây, nhiều giáo sư về quan hệ quốc tế cho rằng thế giới đang chuyển sang thời kỳ đa cực với sự nổi lên của các cường quốc toàn cầu và khu vực, kèm theo đó là vai trò to lớn của các nhân tố phi nhà nước và sự lan tỏa sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao và văn hóa đến nhiều nước hơn trên thế giới.
Cộng đồng tình báo Mỹ, các công ty tư vấn, cơ quan nghiên cứu và những nhân vật tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới, giới học giả và giờ là Chủ tịch Trung Quốc đã nói về sự chuyển đổi sang một thế giới đa cực.
Bản thân tác giả bài viết này từ lâu cũng cho rằng thế giới đang chuyển sang một hệ thống đa cực, song những diễn tiến gần đây trên chính trường quốc tế đã khiến tác giả hoài nghi về quan điểm này của chính mình, đồ rằng liệu thế giới đang bước vào một hệ thống lưỡng cực mới hay không.
Có những tranh luận xác đáng cho rằng hệ thống đa cực đang nổi lên, phần lớn dựa vào các xu hướng kinh tế.
Sự thịnh vượng kinh tế và sức mạnh đang lan tỏa khắp thế giới, với tăng trưởng kinh tế nhanh nhất đang diễn ra ở các nước bên ngoài phương Tây.
Tầng lớp trung lưu thế giới đang gia tăng và phần lớn sự tăng trưởng nói trên lại nằm ngoài các trung tâm quyền lực truyền thống ở phương Tây.
Nghiên cứu của Viện Brookings chỉ ra rằng “9 trong số 10 tỷ người tiêu dùng trung lưu tiếp theo sẽ nằm ở khu vực châu Á,” trải rộng khắp Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác.
Một số nước châu Âu đã thúc đẩy quan niệm rằng một Liên minh châu Âu (EU) thống nhất và cải thiện sẽ giúp gia tăng sức mạnh tổng thể của châu Âu trong một thế giới đa cực.
Thực ra, một EU thống nhất, trong đó có Anh, có GDP gần bằng Mỹ và vượt GDP của Trung Quốc.
Các tranh luận khác ủng hộ một hệ thống đa cực phản ánh những thay đổi về nhân khẩu học và các xu hướng hiện đại khác trên toàn cầu.
Các cường quốc truyền thống ở phương Tây đang “già” đi trong khi dân số trẻ và sự tăng trưởng của loại nhân khẩu này lại tập trung ở phía Nam địa cầu.
Các thành phố lớn nhất thế giới phân bổ ngày càng nhiều ở châu Phi và châu Á. Các xu hướng về công nghệ và kinh tế đang làm xóa nhòa biên giới thực địa và chủ quyền nhà nước.
Các nhân tố phi nhà nước, từ các nhóm khủng bố đến các tập đoàn đa quốc gia, đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trên khán đài quốc tế.
Chỉ trong một khoảng thời gian, dường như nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) sẽ đạt được sức mạnh và tầm ảnh hưởng tương đối trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ lưỡng những quan điểm nói trên cũng như những diễn tiến gần đây thì thấy rằng hệ thống toàn cầu có thể đang chuyển sang một hệ thống lưỡng cực dựa trên Washing và Bắc Kinh.
Nếu không coi EU là một thực thể thống nhất thì hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc có quy mô lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ nước nào trên thế giới.
Châu Âu, dù có sức mạnh kinh tế ngang ngửa ở mức “đầu đàn” kinh tế thế giới, song lại bị chia rẽ bởi vấn đề Brexit, nhập cư, sự mở rộng quyền lực của EU và nhiều vấn đề khác.
Các nước BRIC khác, Brazil, Nga và Ấn Độ, vẫn còn kém xa và chưa thể đạt được tầm ảnh hưởng được kỳ vọng trong một thế giới đa cực.
Đồng bạc xanh vẫn là tiền tệ quan trọng nhất trên thế giới và chưa có loại tiền tệ nào khác đủ sức để thách thức đồng bạc này.
Về quyền lực cứng, Mỹ và Trung Quốc một lần nữa lại vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của thế giới. Hai nước này đều chi tiêu quân sự vượt mức so với các nước khác.
Trong khi đó, giới lãnh đạo châu Âu dù đã thể hiện bất bình đối với những hành xử và hành động của Chính quyền Trump, từ những căng thẳng tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đến thỏa thuận hạt nhân Iran, song lại tỏ ra bất lực khi bảo vệ các lợi ích của châu Âu.
Xét về những giá trị cơ bản của quyền lực cứng, Trung Quốc và Mỹ đều ở thế vượt trội hơn hẳn so với các nước khác trên phạm vi quốc tế.
Tuy nhiên, nếu (hệ thống thế giới) trong tương lai là hệ thống lưỡng cực Mỹ-Trung thì hệ thống này sẽ không giống như thời Chiến tranh Lạnh.
Khác với Mỹ và Liên Xô, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc gắn kết chặt chẽ với nhau. Trung Quốc là một quốc gia rất khác so với Liên Xô.
Công nghệ mới, tình hình nhân khẩu học mới, sự phát triển kinh tế và những ý tưởng mới định hình thế giới ngày nay rất khác so với trước kia.
Có lẽ, sẽ có một dạng thức hệ thống thế giới đa cực có sự pha trộn giữa sự lan tỏa sức mạnh kinh tế (của các cường quốc khu vực) và những hình thức lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc.
Tương lai của hệ thống toàn cầu, dù là đa cực hay lưỡng cực, đều có những ẩn ý quan trọng đối với đời sống kinh tế, chính trị và những liên kết địa chính trị cũng như các quy tắc và luật lệ của hệ thống toàn cầu và hơn thế nữa.
Mặc dù chiều hướng thế giới đang chuyển mình sang một hệ thống lưỡng cực mới có thể chưa rõ ràng, song một hệ thống thế giới đa cực không còn được đề cập đến nữa./.