Phải chăng Triều Tiên đang muốn 'thử phản ứng' của Mỹ?

Theo chuyên gia, việc thử các vũ khí tầm ngắn có thể là một nỗ lực của ông Kim Jong-un nhằm tạo ra một bước đột phá trong các cuộc đàm phán hạt nhân, trong khi không quá chọc giận ông Trump.
Phải chăng Triều Tiên đang muốn 'thử phản ứng' của Mỹ? ảnh 1Triều Tiên tiến hành thử vũ khí dẫn đường chiến thuật mới và nhiều giàn phóng rocket mới ngày 4/5. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Yonhap/AFP/Reuters/nytimes đưa tin ngày 5/5, một ngày sau khi Triều Tiên bắn một loạt vật thể bay tầm ngắn không xác định vào Biển Nhật Bản, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo Triều Tiên đã tiến hành một "cuộc thử nghiệm tấn công" các bệ phóng tên lửa đa nòng và vũ khí dẫn đường chiến thuật để kiểm tra khả năng của các loại vũ khí này.

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát cuộc thử nghiệm diễn ra ở Biển Nhật Bản ngày 4/5.

KCNA cho biết thêm: "Mục đích của cuộc thử nghiệm là đánh giá khả năng hoạt động và độ chính xác khi thực hiện nhiệm vụ tấn công của các bệ phóng tên lửa đa nòng tầm xa và các vũ khí dẫn đường chiến thuật của các đơn vị phòng thủ ở khu vực tiền tuyến và ở mặt trận phía Đông."

[Triều Tiên công bố các loại vũ khí mà nước này vừa thử nghiệm]

Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un yêu cầu binh sỹ của nước này phải luôn ghi nhớ "sự thật sắt đá rằng hòa bình và an ninh thực sự chỉ có thể có được và được đảm bảo bằng sức mạnh."

Quân đội Hàn Quốc cho biết, ngày 4/5, Triều Tiên đã phóng nhiều vật thể bay từ Wosan - thị trấn ở bờ biển phía Đông - vào Biển Nhật Bản. Các vật thể này đã bay khoảng 70-200km.

Bằng cách tăng dần các loại vũ khí được thử nghiệm trong những tuần vừa qua, ông Kim Jong-un dường như đang thận trọng xác định quan điểm của mình với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo các chuyên gia, việc thử các vũ khí tầm ngắn có thể là một nỗ lực của ông Kim Jong-un nhằm tạo ra một bước đột phá trong các cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc hiện nay, trong khi không quá chọc giận ông Trump.

KCNA thông báo những vũ khí được thử nghiệm hôm 4/5 không phải là tên lửa đạn đạo - vốn đã bị Liên hợp quốc cấm thử, mà là "các bệ phóng tên lửa đa nòng tầm xa và các vũ khí chiến thuật dẫn đường."

Shin Beom-chul, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, nói: "Vụ thử vừa qua là vụ thử nghiêm trọng nhất kể từ cuối năm 2017, tuy nhiên đây chủ yếu là lời cảnh báo đối với ông Trump rằng ông ấy có thể sẽ đánh mất các cuộc đàm phán, trừ phi Washington chấp nhận các bước phi hạt nhân hóa từng phần mà ông Kim Jong-un đã đề nghị. Việc nối lại các vụ thử tầm xa có thể sẽ là bước tiếp theo, trừ phi ông Kim Jong-un có được điều ông ấy muốn."

Ngoài các vũ khí hạt nhân, một trong những phương tiện tấn công nguy hiểm nhất của Triều Tiên là các bệ phóng tên lửa đa nòng, hiện được triển khai gần biên giới với Hàn Quốc, khiến Seoul - nơi 10 triệu người dân Hàn Quốc đang sinh sống - nằm trong tầm bắn.

Theo các nhà phân tích và các quan chức quốc phòng của Hàn Quốc, trong những năm gần đây, Triều Tiên đã nỗ lực tìm cách tăng cỡ nòng và tầm bắn của các bệ phóng rocket để có thể đạt khả năng tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở phía Nam Seoul, cũng như các tàu địch tiếp cận bờ biển của Triều Tiên.

Các cuộc đàm phán hạt nhân đã bị đình trệ sau khi hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai diễn ra vào tháng 2/2019 tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào do hai bên có quan điểm khác biệt về các bước phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và việc nới lỏng các lệnh trừng phạt của Washington.

Vài giờ sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử, trên trang Twitter, Tổng thống Trump vẫn bày tỏ tin tưởng rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ giữ lời hứa của mình về việc phi hạt nhân hóa.

Ông viết: "Bất kể điều gì trên thế giới này cũng đều có thể xảy ra, nhưng tôi tin rằng ông Kim Jong-un thực sự hiểu rõ về tiềm năng kinh tế to lớn của Triều Tiên, và sẽ không làm gì gây cản trở hay chấm dứt nó. Ông ấy cũng biết rằng tôi đứng về phía ông ấy và ông ấy không muốn phá vỡ lời hứa với tôi. Thỏa thuận sẽ đạt được."

Kể từ sau cuộc gặp lịch sử ở Singapore năm 2018, ông Trump đã nói rằng ông Kim Jong-un vẫn duy trì cam kết "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" bán đảo Triều Tiên.

Ông cũng quả quyết rằng hai nhà lãnh đạo vẫn duy trì quan hệ gần gũi cho dù cuộc gặp ở Hà Nội đã đổ vỡ hồi tháng Hai vừa qua, và rằng ông Kim Jong-un sẽ tiếp tục ngừng các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đàm phán hạt nhân đi vào bế tắc, Triều Tiên dường như đang "kiểm tra" phía Mỹ.

Vụ thử nghiệm hôm 4/5 diễn ra sau vụ bắn thử các vũ khí chiến thuật tầm ngắn hồi tháng trước, và diễn ra chỉ vài ngày sau khi một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vì có những bình luận "ngớ ngẩn và nguy hiểm" trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.

Nhà phân tích về Triều Tiên Ankit Panda nhấn mạnh rằng vụ thử nghiệm vừa qua của Triều Tiên "không vi phạm cam kết ngừng các vụ thử tên lửa của ông Kim Jong-un," vốn chỉ áp dụng với các tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố, Nhà Xanh của Hàn Quốc bày tỏ "rất lo ngại," cho rằng vụ thử đã vi phạm một thỏa thuận quân sự đã được hai miền Triều Tiên ký kết hồi năm ngoái.

Phải chăng Triều Tiên đang muốn 'thử phản ứng' của Mỹ? ảnh 2Giàn phóng rocket cỡ nòng 300 mm mới của Triều Tiên. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức nói: "Các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên là một hành vi khiêu khích trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang mong đợi những bước đi thiết thực từ phía Triều Tiên nhằm từ bỏ vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa của nước này. Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Trump rằng ông sẵn sàng tiếp tục ủng hộ tiến trình đàm phán bất chấp động thái gây khiêu khích này."

Hồi đầu tuần, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui đã cảnh báo Washington về "hậu quả không mong muốn" nếu Mỹ không thay đổi quan điểm về các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên.

Vụ thử ngày 4/5 của Triều Tiên diễn ra chỉ vài ngày trước ngày khi Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tới thăm Nhật Bản và Hàn Quốc.

Washington cho biết ông Biegun sẽ thảo luận "những nỗ lực nhằm thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa cuối cùng và được xác minh đầy đủ tại Triều Tiên" với các quan chức ở Seoul và Tokyo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.