"Phải xử lý cả cơ quan chủ quản khi tòa soạn báo trực thuộc vi phạm"

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cảnh báo hiện tượng một số phóng viên câu kết thành nhóm để "đánh hội đồng," đồng thời đề nghị xử lý nghiêm cơ quan chủ quản khi tòa soạn báo trực thuộc vi phạm.
"Phải xử lý cả cơ quan chủ quản khi tòa soạn báo trực thuộc vi phạm" ảnh 1Nhà báo Duy Phong (bên phải) tại hiện trường vụ bắt giữ.

Đưa ra ý kiến tại phiên họp Chính phủ ngày 3/7, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, nhiều cơ quan chủ quản vẫn đứng ngoài khi cơ quan báo chí trực thuộc ngành quản lý vi phạm.

Theo Bộ trưởng, hiện công tác quản lý báo chí trực thuộc tại các ngành, hiệp hội vẫn chưa được chặt chẽ, do vậy lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị, khi phóng viên vi phạm trong quá trình tác nghiệp, ngoài việc xử lý trách nhiệm của lãnh đạo tòa soạn báo thì cần xử lý cả cơ quan chủ quản của tờ báo đó khi vụ việc ở mức nghiêm trọng.

Qua vụ việc của nhà báo Lê Duy Phong bị truy tố về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", xảy ra ngày 22/6, tại tổ 66 phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cảnh báo hiện tượng một số phóng viên câu kết thành nhóm để "đánh hội đồng" nhằm trục lợi.

​Nêu rõ về thực trạng "Sáng đăng báo, trưa gặp gỡ doanh nghiệp rồi chiều gỡ bài", lãnh đạo Bộ ​Thông tin và Truyền thông cho rằng, hiện tượng này vẫn còn tồn tại ở một số báo.

"Trách nhiệm Cơ quan quản lý nhà nước chỉ quản lý hậu kiểm, Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng phải xử lý cả cơ quan chủ quản khi tờ báo trực thuộc sai phạm nghiêm trọng trong việc đăng tin, bài," Bộ trưởng Trương Minh Tuấn kiến nghị.

​Trước ý kiến đưa ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về báo chí, đông thời xử lý nghiêm khi phát hiện tình trạng tiêu cực trong báo chí.

Bên cạnh đó, Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chủ quan tăng cường công tác quản lý các tờ báo ​trực thuộc ngành.

Trước đó, ngày 16/6/2017, nhà báo Duy Phong đã lên Yên Bái gặp Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái Vũ Xuân Sáng. Trong buổi gặp, nhà báo Lê Duy Phong đã nêu một số vi phạm liên quan đến quản lý nhà nước về kế hoạch đầu tư của Yên Bái và yêu cầu ông Sáng chuyển cho nhà báo này 200 triệu đồng.

[Khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nhà báo nhận tiền doanh nghiệp]

Ngày 22/6, cơ quan Công an thành phố Yên Bái đã bắt quả tang nhà báo Duy Phong đang nhận 50 triệu đồng của một doanh nghiệp. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhà báo Duy Phong để điều tra về hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến hành vi đưa tiền của ông Vũ Xuân Sáng, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an) cho biết cơ quan Công an đang tập trung điều tra làm rõ, đồng thời cho biết Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chức năng thực hiện việc giám sát quá trình điều tra để đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Mới đây, ngày 29/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức ra quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Lê Duy Phong (bút danh Hải Ninh) vì đã bị cơ quan tiến hành tố tụng quyết định khởi tố bị can về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục