Phải xử phạt hình sự với hành vi làm giả hồ sơ trục lợi bảo hiểm

Một số hành vi làm giả hồ sơ, giấy tờ để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cần bị xử lý hình sự chứ không xử phạt vi phạm hành chính.
Phải xử phạt hình sự với hành vi làm giả hồ sơ trục lợi bảo hiểm ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Một số hành vi làm giả hồ sơ, giấy tờ để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cần bị xử lý hình sự chứ không xử phạt vi phạm hành chính.

[Quảng Ninh đề nghị truy tố 7 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội]

Đây là nội dung báo cáo thẩm định đối với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Bộ Tư pháp gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Về cơ bản, Bộ Tư pháp đánh giá nội dung của dự thảo Nghị định phù hợp với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Bộ Luật Lao động năm 2012, Luật Việc làm năm 2013, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, Luật Công đoàn năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhận thấy, một số hành vi vi phạm hành chính được quy định trong dự thảo nghị định có sự trùng lặp với hành vi phạm tội được quy định trong Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể, đó là các hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu, làm giả hồ sơ trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội.

Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ quy định nhằm bảo đảm sự phù hợp với Bộ luật hình sự năm 2015.

Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự thì hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức sẽ bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự, không bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vẫn giữ lại các quy định xử lý vi phạm hành chính với các hành vi giả mạo giấy tờ, tài liệu, làm giả hồ sơ... Bộ Tư pháp đề nghị không vi phạm điều cấm tại khoản 1 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.”

Bộ Tư pháp kiến nghị chỉnh sửa theo hướng: “Khi phát hiện hành vi liên quan đến sử dụng, làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không truy cứu trách nhiệm hình sự thì phạt tiền ở khung tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước.”/.

Các hành vi bị yêu cầu chuyển xử lý hình sự gồm:

- Giả mạo giấy tờ, tài liệu để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định

- Giả mạo giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ cấp, cấp lại Chứng chỉ kiểm định viên

- Giả mạo giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị công bố đủ điều kiện thực hiện hoạt động quan trắc môi trường lao động

- Làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề

- Làm giả hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục