Phản ứng của Bolivia và Chile sau phán quyết của Tòa Công lý quốc tế

Sau phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế, Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố nước này không bao giờ từ bỏ yêu cầu chính đáng về một đường ra biển có chủ quyền.
Phản ứng của Bolivia và Chile sau phán quyết của Tòa Công lý quốc tế ảnh 1Tổng thống Bolivia Evo Morales tại Tòa án Công lý quốc tế (IJC) ở Hague, Hà Lan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phát biểu với báo giới ngay sau khi biết phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (IJC) có lợi cho Chile trong vụ tranh chấp song phương, Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố nước này không bao giờ từ bỏ yêu cầu chính đáng về một đường ra biển có chủ quyền.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, sau khi thừa nhận rằng IJC phán quyết Chile không có nghĩa vụ pháp lý phải đàm phán về vấn đề này với Bolivia như yêu cầu của La Paz, Tổng thống Morales cũng nhấn mạnh phán quyết định này vẫn kêu gọi đối thoại về vấn đề này, và trích dẫn khổ 176 của báo cáo cuối cùng của IJC rằng “những kết luận của Tòa án (IJC) không nên được hiểu là để ngăn cản đối thoại và trao đổi để hướng tới quan hệ láng giềng tốt đẹp.”

Nhà lãnh đạo cánh tả của Bolivia, người đã có mặt tại phiên tòa cuối cùng, cũng nhấn mạnh báo cáo cuối cùng này cũng chỉ rõ vấn đề này là mối quan tâm chung của hai bên và vẫn là một vấn đề dang dở chưa giải quyết xong.

[ICJ ra phán quyết có lợi cho Chile trong tranh chấp với Bolivia]

Trong khi đó, từ thủ đô Santiago, Tổng thống Chile Sebastian Pinera tuyên bố đây là “một ngày trọng đại của Chile, một ngày trọng đại của luật pháp quốc tế, của sự tôn trọng các thỏa thuận quốc tế” và rằng “IJC đã lấy lại công bằng và đặt mọi việc vào đúng chỗ.”

Nhà lãnh đạo Chile cũng cáo buộc người đồng cấp Bolivia đã “tạo ra những ảo tưởng sai lầm và những thất vọng lớn" cho chính nhân dân Bolivia, và đã làm mất đi 5 năm quan hệ song phương.

Tổng thống Pinera khẳng định Santiago đã và luôn sẵn sàng đối thoại và hợp tác với tất cả các nước, đặc biệt là các nước láng giềng, nhưng trên cơ sở tôn trọng các thỏa thuận quốc tế. Tuy vậy, ông Pinera cũng hy vọng Chính phủ Bolivia diễn giải đúng phán quyết của IJC và cảnh báo nếu Bolivia tiếp tục tìm kiếm một đường ra biển thì sẽ không bao giờ có được câu trả lời tích cực.

Với tỷ lệ 12 phiếu thuận và 3 phiếu chống, IJC tại La Haye (Hà Lan) đã bác bỏ yêu cầu của Bolivia, được trình vào tháng 4/2013, rằng Chile phải có nghĩa vụ đàm phán về một đường ra biển có chủ quyền cho La Paz, sau khi tóm tắt lại thỏa thuận ranh giới 1904 và các biên bản đối thoại song phương sau đó giữa hai nước, trong đó chưa bao giờ đi tới một thỏa thuận thành công cuối cùng.

Các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải giữa Bolivia và Chile bắt đầu từ năm 1828, khi Hiến pháp Chile ra đời khi đó ấn định rằng lãnh thổ của quốc gia Nam Mỹ này kéo dài tới hết khu vực thưa thớt dân cư tại hoang mạc muối Atacama - khi đó vẫn dưới quyền kiểm soát của Bolivia. Sau đó, Chile chiếm phần lãnh thổ này trong cuộc Chiến tranh Thái Bình Dương năm 1879 (chống liên minh Peru-Bolivia).

Trong cuộc chiến này, Bolivia đã mất toàn bộ 400km đường bờ biển và 120.000km2 lãnh thổ ven biển của mình. Trong thỏa thuận tái lập hòa bình 1904, hai bên thỏa thuận Bolivia được hưởng một đường ra biển ngang qua lãnh thổ Chile, đổi lại việc La Paz công nhận chủ quyền Santiago tại phần lãnh thổ bị mất. Tuy nhiên, sau đó mỗi bên diễn giải theo cách khác nhau và tới nay chưa bao giờ thỏa thuận này được thực thi toàn diện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.