Phản ứng của cộng đồng thế giới trước tình hình Thái Lan

Phản ứng về cuộc đảo chính tại Thái Lan, ngày 22/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc quân đội tiếm quyền.
Phản ứng của cộng đồng thế giới trước tình hình Thái Lan ảnh 1Binh sĩ Thái Lan gác tại một căn cứ quân sự ở thủ đô Bangkok ngày 22/5. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Phản ứng về cuộc đảo chính tại Thái Lan, ngày 22/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc quân đội tiếm quyền, đồng thời kêu gọi "lập tức khôi phục trật tự dân sự" phù hợp với các quy định của hiến pháp.

Tổng Thư ký nhấn mạnh một cuộc đối thoại toàn diện sẽ mở đường cho hòa bình và thịnh vượng lâu dài tại Thái Lan.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố quân đội Thái Lan "không có lý lẽ gì" để tiến hành vụ đảo chính và cảnh báo động thái này có thể làm tổn hại quan hệ giữa hai nước, nhất là quan hệ với quân đội Thái Lan.

Ông Kerry hối thúc khôi phục chính quyền dân sự và tiến hành cuộc bầu cử sớm. Ông cũng cho biết Mỹ đang cân nhắc lại các hỗ trợ song phương trị giá 10 triệu USD mà Mỹ dành cho Thái Lan, kể cả các hỗ trợ về quân sự trị giá 24 triệu USD.

Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) cũng hối thúc Thái Lan nhanh chóng trở lại tiến trình dân chủ. Tuyên bố của EU nêu rõ "quân đội Thái Lan cần công nhận và tôn trọng quyền hiến định của chính quyền dân sự" đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành các cuộc bầu cử trong thời gian sớm nhất và kêu gọi các bên kiềm chế.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Hague cũng kêu gọi Thái Lan khôi phục một chính quyền dân sự do dân bầu thông qua việc lập một thời gian biểu rõ ràng và nhanh chóng cho các cuộc bầu cử.

Trong khi đó, tờ Thời báo Tài chính của Anh cảnh báo cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan sẽ đẩy nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này vào một giai đoạn khủng hoảng mới và làm gia tăng nguy cơ nước này phải đối mặt với lệnh trừng phạt của quốc tế.

Tại khu vực châu Á, Bộ Ngoại giao Indonesia đã ra tuyên bố nhấn mạnh Thái Lan cần tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và một chính phủ hợp hiến. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa kêu gọi các bên ở Thái Lan hợp tác trên tinh thần hòa giải để nhanh chóng khôi phục lại tình hình chính trị đất nước.

Ông cho biết thêm rằng Indonesia sẽ liên lạc với các đại diện của Myanmar - nước đang là Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - để huy động sự đóng góp của ASEAN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực khôi phục tình hình chính trị bình thường ở Thái Lan.

Trong khi đó, Chính phủ Campuchia đã ra chỉ thị khẩn nhằm đảm bảo an toàn xã hội, an ninh trật tự và sự ổn định phát triển tại khu vực biên giới với Thái Lan.

Chỉ thị do Phó Thủ tướng Sar Kheng ký ngày 22/5 yêu cầu chỉ huy quân đội, cảnh sát địa phương giáp biên giới Thái Lan tiếp tục hợp tác tốt với quân đội và lực lượng dân sự Thái Lan, đảm bảo hoạt động giao thương giữa hai nước qua các cửa khẩu, đồng thời quan tâm theo dõi diễn biến tình hình của Thái Lan.

Quan chức tỉnh Banteay Meanchey giáp Thái Lan cho biết Thái Lan đã công bố lệnh hạn chế đối với một số loại xe qua lại biên giới giữa hai nước, tuy nhiên, khu vực biên giới giữa hai nước vẫn được đảm bảo an toàn, trật tự.

Đại sứ quán Ấn Độ tại Bangkok đã khuyến cáo tất cả du khách Ấn Độ cũng như công dân của họ tại Thái Lan tránh đi lại trong thời gian giới nghiêm, tránh các khu vực biểu tình, nơi tụ họp chính trị hoặc tuần hành. Những người nào phải đi chuyến bay đêm được khuyên hãy tới sân bay trước giờ giới nghiêm, đồng thời yêu cầu các khách sạn phối hợp với quân đội để thu xếp phương tiện giao thông cho họ ra sân bay.

Cùng với Ấn Độ, Bộ Ngoại giao Singapore cũng ra thông cáo nhận định tình hình tại Thái Lan đang có những diễn biến khó lường và khuyên công dân Singapore "cân nhắc kỹ" các hành trình tới Thái Lan.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop bày tỏ "lo ngại sâu sắc" và cho rằng "đây là diễn biến đáng tiếc." Bà Bishop kêu gọi khoảng 28.500 công dân Australia tại Thái Lan "thận trọng ở mức cao và tránh xa các nơi tụ tập đông người." Bà cũng nhấn mạnh việc lập lại một chính phủ do dân bầu là chìa khóa để gìn giữ ổn định chính trị tại Thái Lan.

Cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan được coi là một thử thách mới đối với giới đầu tư nước ngoài ở đất nước Chùa Vàng. Trong suốt 8 năm qua, tình trạng bất ổn về chính trị đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước này, đặc biệt là đối với các ngành chế tạo và du lịch.

Một ngày sau khi quân đội tuyên bố đảo chính, thị trường chứng khoán Thái Lan đã sụt giảm hơn 2%, trong khi đồng bath mất 0,4% giá trị so với USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục