Theo trang mạng scmp.com, theo các quan chức và chuyên gia quân sự, để đối phó với thỏa thuận an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS) và các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Mỹ thiết kế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Bắc Kinh có thể sẽ tăng cường nỗ lực nhằm tránh bị bao vây, đồng thời mở rộng hạm đội tàu ngầm hạt nhân.
Việc hai bên củng cố năng lực quốc phòng diễn ra trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh xung quanh Đài Loan đang ngày càng rõ rệt, đặt ra thách thức lớn hơn cho AUKUS, đồng thời làm nổi bật các chiến lược phòng thủ khu vực rộng hơn của Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh.
Với việc tham gia AUKUS hồi tháng 9 vừa qua, Canberra đã từ bỏ hợp đồng mua tàu ngầm diesel trị giá 66 tỷ USD của Pháp để chuyển sang mua khoảng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, khiến Paris tức giận.
Khi Mỹ vừa có động thái nâng cao sự ủng hộ đối với Đài Loan, thể hiện qua chuyến thăm của nghị sỹ Đảng Cộng hòa trong tháng 11 này, Bắc Kinh đã tăng cường các chiến thuật hùng biện và đe dọa, tổ chức các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu ở vùng biển tiếp giáp Đài Loan.
Trung Quốc cũng đưa nhiều máy bay tiêm kích J-16, máy bay ném bom tầm xa H-6, máy bay chống tàu ngầm và giám sát vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Sourabh Gupta, một thành viên tại Viện Nghiên cứu Trung-Mỹ, cho biết: “Trung Quốc đang phát đi tín hiệu: nếu bạn muốn can dự vào Đài Loan, hãy coi chừng mối đe dọa và những biện pháp răn đe của chúng tôi.”
[Các phản ứng tiềm tàng của Trung Quốc đối với AUKUS]
Trong bối cảnh các nhân vật theo đường lối cứng rắn của Mỹ và Trung Quốc làm tăng nguy cơ xung đột, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức một hội nghị trực tuyến hôm 15/11 nhằm thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Đài Loan và kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Ngày 19/11, Kurt Campbell - Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng - cho biết AUKUS đang phát triển, trong đó cựu quan chức Lầu Năm Góc James Miller được giao nhiệm vụ tìm hiểu chi tiết và thiết kế một lộ trình chiến lược trong 18 tháng tiếp theo.
Ông cho biết trong những năm tới, nhiều đối tác châu Âu có thể tham gia sáng kiến này. Campbell nói: “Cơ sở lý luận chiến lược này không thể bị đánh bại.”
Các chuyên gia quân sự cho rằng cốt lõi trong chiến lược của Trung Quốc - và câu trả lời cho AUKUS - là buộc Mỹ tăng chi phí cho các biện pháp phòng thủ Đài Loan bằng cách gia tăng sức ép lên các đảo tranh chấp trên Biển Đông; triển khai thêm hàng không mẫu hạm; phát triển vũ khí siêu thanh; và bổ sung các địa điểm đặt tên lửa trên đất liền để mở rộng phạm vi phòng thủ.
Theo giới phân tích, tên lửa Dong Feng 26 và Hong Niao 3, cũng như máy bay ném bom H-6 sở hữu năng lực hạt nhân có thể gây áp lực, buộc các lực lượng Mỹ ở Guam và Okinawa kéo về Hawaii và đất liền Mỹ, khiến các mục tiêu ở Bờ Đông của Mỹ gặp nguy hiểm.
Sidharth Kaushal - cộng tác viên về năng lực hải quân thuộc Viện Nghiên cứu Liên minh Hoàng gia tại London - cho biết để đối phó với các mối đe dọa dưới nước, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang lắp đặt thêm nhiều cảm biến dưới đáy Biển Đông nhằm theo dõi tàu ngầm của đối phương và cải tiến hệ thống định vị bằng âm thanh (sonar) trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường tàng hình kiểu 55.
Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, Trung Quốc đang đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với tiến độ 15 tháng/tàu. Đội tàu hiện tại của nước này gồm khoảng 66 tàu chạy bằng động cơ diesel và hạt nhân, dự kiến sẽ tăng lên 76 tàu vào năm 2030.
Việc Bắc Kinh và Moskva thắt chặt quan hệ cũng là một điểm đáng chú ý. Hai đối tác này đã phối hợp nhằm tạo ra một hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo cho Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết sự ngờ vực lâu nay vẫn còn khi có rất ít bằng chứng về khả năng tương tác trong các cuộc tập trận chung gần đây.
Bản thân Moskva cũng tỏ ra thận trọng với việc bán các tàu ngầm hạt nhân tốt nhất của họ. Kaushal cho biết: “Nga nhận thức được rằng nếu họ bán thứ gì cho Trung Quốc thì thứ đó sẽ nhanh chóng bị sao chép thiết kế. Tôi nghĩ người Nga sẽ giữ những món đồ quý giá của họ càng xa Trung Quốc càng tốt.”
Các chuyên gia quân sự cho rằng thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân của AUKUS và Canberra đang định hình lại cục diện chiến lược. Ngay cả khi Trung Quốc chỉ trích tham vọng bá quyền của Mỹ, sự hiếu chiến của nước này đang khiến các đồng minh phương Tây và châu Á xích lại gần nhau hơn, trong đó nổi bật là hành động đàn áp của Bắc Kinh tại Tân Cương và Hong Kong, cuộc giao tranh biên giới với Ấn Độ, hành động "tống tiền kinh tế" với Australia và chính sách ngoại giao “Chiến Lang.”
Liên minh này cam kết mang lại lợi ích cho mỗi nước đối tác. Australia, vốn sở hữu các tàu ngầm diesel lớp Collins đã lỗi thời, đang củng cố năng lực phòng thủ của họ. Mỹ tận dụng sức mạnh quân sự nhờ túi tiền của các đồng minh.
Trong khi đó, Anh có thể kiềm chế mà không cần đối đầu trực tiếp với Trung Quốc trong một khu vực tranh chấp ngày càng quyết liệt. Mặc dù đặt trọng tâm vào công nghệ tàu ngầm, nhưng theo thời gian, kế hoạch hợp tác của AUKUS về trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, điện toán lượng tử và công nghệ tên lửa mới là những mục tiêu có ý nghĩa.
Thỏa thuận tàu ngầm của AUKUS đã phản ánh rõ chiến lược trung tâm của các đồng minh trong một cuộc xung đột gay gắt: “bẫy” PLA bên trong các đảo san hô chạy về phía Nam Nhật Bản, phía Đông Đài Loan và phía Bắc Malaysia, nếu thất bại, họ sẽ đe dọa các lô hàng năng lượng Trung Đông của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca. Trong cả hai trường hợp, tàu ngầm đều có vai trò quan trọng.
Hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ và Australia sẽ chống lại chiến lược mở rộng bờ cõi của Trung Quốc bằng cách ẩn nấp gần đất liền và buộc các tàu ngầm Trung Quốc phải đi qua một vài điểm nút đủ sâu để di chuyển mà không nổi lên mặt nước.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, AUKUS có thể làm tăng nguy cơ xảy ra chạy đua vũ trang ở một khu vực vốn đã chứng kiến mức chi tiêu quốc phòng tăng 47% trong thập kỷ qua ở khoảng 50 quốc gia châu Á và châu Đại Dương. Riêng năm 2020, các nước đã chi tổng cộng 588 tỷ USD, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết, trong đó có việc Canberra sẽ mua tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ hay lớp Astute của Anh, và liệu có biến cố nào xảy ra trước khi bàn giao tàu ngầm - vốn rất khó hoàn thành trước năm 2040 - hay không. Tháng 3/2021, Đô đốc Philip Davidson - cựu Chỉ huy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ - cảnh báo rằng Trung Quốc có thể tấn công Đài Loan trong vòng 6 năm tới.
Có một giả thuyết là Canberra mua hoặc thuê các tàu ngầm hạt nhân cũ hơn của Mỹ hoặc Anh để có thêm thời gian cải thiện chuyên môn. Hôm 19/11, ông Kurt Campbell cho biết Mỹ sẽ làm "bất cứ điều gì có thể" để đưa các tàu đến tay Australia càng sớm càng tốt.
Các tàu ngầm hiện tại của Australia đi ra khỏi Perth chỉ có thể ở lại Biển Đông trong 11 ngày, thấp hơn nhiều so với thời gian 60 ngày của các tàu hạt nhân.
Mặc dù Australia có thể là nơi chế tạo các tàu ngầm trong bối cảnh các khu vực neo đậu của hải quân Mỹ và Anh đã chật cứng, song vẫn chưa rõ người dân Australia có sẵn sàng đóng thuế để gánh vác mức tăng ngân sách quốc phòng - hiện tương đương khoảng 2% GDP nước này - hay không, đặc biệt nếu Bắc Kinh hạ nhiệt căng thẳng. Ngoài chi phí ước tính 3 tỷ USD cho mỗi tàu ngầm, Canberra - vốn chưa từng có tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân - sẽ cần nâng cấp các cảng và năng lực đóng tàu của công nhân.
Các liên minh căng thẳng cũng cần được chú ý. Thông báo thành lập AUKUS hồi tháng 9 đã gây sốc cho Pháp và làm suy yếu mục tiêu củng cố liên minh chống Trung Quốc của Biden. Điều này buộc các bên phải ưu tiên cải thiện quan hệ Mỹ-Pháp và Australia-Pháp.
Đầu tháng 11 này, ông Biden đã cử Phó tổng thống Kamala Harris thực hiện chuyến công du 5 ngày tới Pháp, trong đó có cuộc gặp Tổng thống Emmanuel Macron, tại đó hai bên ca ngợi “sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chỉ trích AUKUS là hiện thân của “tâm lý Chiến tranh Lạnh, tiêu chuẩn kép và coi thường các quy tắc trong một chương trình chính trị rõ ràng.”
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng xét trên phản ứng thông thường của Trung Quốc thì phản ứng đó của Bắc Kinh là tương đối nhẹ. Một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh hy vọng căng thẳng Washington-Paris sẽ tự gây chia rẽ các đối thủ của họ. Số khác lại kết luận rằng việc Trung Quốc đe dọa kinh tế và gia tăng áp lực đối với Australia đã hoàn toàn phản tác dụng./.