Các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã phản ứng tích cực với việc Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn dự luật trao quy chế tự quản đặc biệt trong vòng ba năm cho hai tỉnh Donetsk và Lugansk, mở đường cho một tiến trình phân cấp chính quyền trên cả nước theo đề xuất một ngày trước đó của Tổng thống Petro Poroshenko.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko cho rằng đây là một bước đi đúng đắn nhằm củng cố tiến trình hòa bình tại Ukraine. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh cần nghiên cứu kỹ văn kiện này cũng như phản ứng của chính quyền địa phương Lugansk và Donetsk.
Theo Chủ tịch Matvienko, đây chính là yêu cầu của người dân Lugansk và Donetsk chứ không phải là một sự ly khai và hiện là lúc cần phải xây dựng lòng tin giữa các bên xung đột.
Trong khi đó, đại diện cơ quan phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố việc thông qua dự thảo luật về quy chế đặc biệt nói trên phù hợp với kế hoạch hòa bình Minsk.
Cộng hòa tự xưng Lugansk và Donetsk đánh giá tích cực việc Quốc hội Ukraine thông qua dự luật và coi đó là sự phát triển tích cực tiến trình hòa bình Minsk. Phó Thủ tướng Cộng hòa Donetsk tự xưng Andrei Purgin tuyên bố sẽ nghiên cứu văn kiện này.
Chủ tịch Hội đồng Tối cao Cộng hòa tự xưng Lugansk Alexei Karyakin tuyên bố việc thông qua dự luật là một bước đi đúng hướng, phù hợp với thỏa thuận Minsk. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu kỹ văn kiện này trước khi có tuyên bố chính thức.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf tuyên bố Mỹ hoan nghênh dự luật ân xá và trao quy chế đặc biệt cho một số khu vực thuộc hai tỉnh Donetsk và Lugansk, cho rằng đây là việc thực hiện hai cam kết quan trọng của Kiev khi ký thỏa thuận Minsk ngày 5/9 về ngừng bắn tại miền Đông Nam Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Poroshenko tuyên bố dự luật về quy chế đặc biệt cần là cơ sở cho hòa bình tại Donbass. Ông cũng nhấn mạnh vấn đề phân quyền lớn hơn cho khu vực là các điểm chính của kế hoạch hòa bình.
Cũng liên quan đến tình hình Ukraine, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 16/9 kêu gọi tiếp tục đối thoại cởi mở giữa Nga và Ukraine nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại miền Đông Ukraine và giải quyết cuộc xung đột tại đây. Ông cho biết đã thảo luận với lãnh đạo các nước về việc cần tiếp tục tham vấn, đối thoại cởi mở giữa Nga và Ukraine và nhận được sự ủng hộ từ tất cả các bên cho nỗ lực giải quyết hòa bình cuộc xung đột và tuân thủ lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 16/9 cho biết bên lề hội nghị Paris về hòa bình và an ninh tại Iraq đã diễn ra cuộc gặp ba bên giữa ngoại trưởng Nga, Pháp và Đức về giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Các bên nhấn mạnh cần tiếp tục củng cố lệnh ngừng bắn, ủng hộ tiến trình đàm phán giữa Kiev và miền Đông Nam, cần thực hiện các thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp Minsk mới đây.
Trong khi đó, phương Tây tiếp tục áp đặt thêm trừng phạt đối với Nga. Ngoại trưởng Canada John Baird ngày 16/9 tuyên bố nước này đã áp dụng gọi trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến tình hình Ukraine, theo đó bốn cá nhân và năm tổ chức và một thiết chế tài chính sẽ được đưa vào danh sách trừng phạt./.