Với lý do an ninh, ngày 29/11, giới chức Pháp thông báo sẽ cấm tất cả các phương tiện giao thông tại đại lộ danh tiếng Champs-Elysee ở thủ đô Paris trong ngày thứ Bảy cuối tuần này và chỉ cho phép khách bộ hành vào tham quan sau khi danh tính của họ được kiểm tra kỹ lưỡng.
Những biện pháp này là nỗ lực mới nhất của giới chức Pháp nhằm ngăn chặn tái diễn các cuộc biểu tình của những người "Áo vàng" phản đối chính sách tăng thuế xăng dầu của chính phủ.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner đã công bố các biện pháp trên trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền hình nhà nước.
Ông cho biết trong ngày 1/12, hoạt động ra vào đại lộ Champs- Elysee sẽ được kiểm soát "rất chặt chẽ," bao gồm việc khám xét các túi xách và kiểm tra giấy tờ tùy thân.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát cũng sẽ được tăng cường tại khu vực này nhằm ứng phó với những trường hợp khiêu khích.
Trong khi đó, các nguồn tin cảnh sát nói với hãng tin AFP rằng có tới 5.000 cảnh sát sẽ được huy động tại khu vực này trong ngày 1/12.
[Photo] Biểu tình của phong trào Áo vàng ở Paris biến thành bạo loạn
Các biện pháp bất thường trên được ban hành sau khi đại lộ Champs-Elysee hồi tuần trước trở thành địa điểm diễn ra một cuộc biểu tình của hơn 5.000 người theo phong trào "Áo vàng" nhằm phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu của chính phủ.
Cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo loạn khi những người theo phong trào "Áo vàng" xô đổ các thanh chắn và vật dụng trên đường phố để dựng một rào cản ở giữa đại lộ.
Những đám cháy đã bùng lên trên đại lộ trong khi giao thông hoàn toàn bị tê liệt ở các khu vực xung quanh. Lực lượng Cảnh sát quốc gia buộc phải dùng vòi rồng phun nước và lựu đạn hơi cay để giải tán những người quá khích.
Quyết định tăng thuế nhiên liệu có hiệu lực từ tháng 10 vừa qua cùng lúc giá dầu thế giới tăng đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong người dân, đặc biệt là nông dân.
Dù chính phủ cho rằng tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích các lái xe sử dụng phương tiện ít tiêu thụ nhiên liệu hơn, từ đó giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, nhưng hàng nghìn người vẫn đổ xuống các đường phố chính ở các thành phố trên cả nước để phản đối.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe sau đó khẳng định chính phủ nước này sẽ không rút lại quyết định tăng thuế nhiên liệu mới áp dụng từ tháng 10 vừa qua, bất chấp các cuộc biểu tình phản đối trên phạm vi cả nước.
Trong tuyên bố mới nhất, phát biểu tại Buenos Aires khi đến Argentina tham dự hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông thấu hiểu sự giận dữ của một bộ phận người dân mong muốn một cuộc sống tốt hơn, song khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi công cuộc cải cách, trong đó có lĩnh vực năng lượng.
Trước đó, nhà lãnh đạo Pháp tuyên bố rằng việc đánh thuế nhiên liệu sẽ được tính toán lại phù hợp với biến động giá cả trên thị trường dầu mỏ thế giới, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực lên những người chủ yếu sử dụng xe ô tô cá nhân làm phương tiện di chuyển, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi.
Kể từ khi lên nắm quyền từ cách đây hơn 1 năm, Tổng thống Macron đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm định hình lại nền kinh tế và cải cách các cơ quan công quyền. Những biện pháp cải cách gây tranh cãi, đặc biệt là quyết định cho phép nới lỏng các luật về thuê và sa thải người lao động, đã khiến chỉ số tín nhiệm dành cho ông chủ Điện Elysée giảm xuống mức thấp.
Quyết định tăng thuế cũng ảnh hưởng tới chỉ số tín nhiệm này. Theo kết quả thăm dò được Ifop công bố ngày 18/11 trên Journal du Dimanche (JDD), chỉ có khoảng 25% số người được hỏi tỏ ra hài lòng với Tổng thống Macron, thấp hơn so với mức 29% công bố hồi tháng 10.
Đây là kết quả khảo sát thực hiện với khoảng 2.000 người từ ngày 9/11 tới 17/11. Trong một khảo sát khác của Ifop công bố trên JDD, 62% người được hỏi cho rằng chính phủ nên ưu tiên các chính sách nhằm cải thiện thu nhập của các hộ gia đình ngay cả khi điều đó có thể cản trở các biện pháp nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Dự kiến, tháng 1/2019 tới sẽ có thêm một đợt tăng giá dầu diesel, vốn được sử dụng rất phổ biến tại Pháp./.