Nước Pháp đang phải đối mặt cuộc đình công quy mô lớn do các nghiệp đoàn tiến hành nhằm phản đối các biện pháp cải cách lương hưu của chính phủ nước này.
Các cuộc đình công bắt đầu diễn ra từ ngày 7/3 đã dẫn đến tình trạng mất điện ở một số nơi, gây gián đoạn nguồn cung năng lượng và giảm sản lượng điện tại một số nhà máy.
Dữ liệu của Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) cho thấy nguồn cung cấp điện đã giảm 8,2 gigawatt (GW), tương đương 13% tổng sản lượng, ở một số khu vực do cuộc đình công.
Nhà điều hành lưới điện RTE cho thấy Pháp hiện không nhập khẩu điện, do đó nguồn cung điện hầu hết là từ các cơ sở trong nước.
Nhiều nhân viên ngành điện, thuộc nghiệp đoàn IEG, đã tham gia đình công và ngừng các hoạt động phân phối điện.
Cuộc đình công cũng dẫn đến tình trạng mất điện tại sân vận động Stade de France và một số công trình đang thi công cho Làng Olympic 2024 ở phía Bắc vùng ngoại ô Saint-Denis, gần thủ đô Paris.
Mất điện cũng xảy ra tại 3 trung tâm dữ liệu tại Saint-Denis và các trung tâm thương mại quanh sân Stade de France.
Đình công cũng ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng của Pháp.
Tập đoàn dầu khí đa quốc gia TotalEnergies cho biết các nhà máy lọc dầu của Pháp không thể đảm bảo vận chuyển nhiên liệu do ảnh hưởng của đình công.
Nhà máy Fos-sur-Mer của ExxonMobil ở miền Nam nước Pháp cũng không thể giao hàng như dự kiến, dù hoạt động đã trở lại bình thường từ 9 giờ tối 9/3 tại cơ sở lọc dầu ở Port Jerome, một đại diện của công đoàn nói với Reuters.
Chủ tịch Liên minh Công nghiệp Dầu khí, Năng lượng và Di động Pháp UFIP, Olivier Gantois, cho biết khoảng 7% trạm xăng dầu của Pháp thiếu ít nhất một sản phẩm từ ngày 8/3, nhưng "không có vấn đề gì về nguồn cung và tình hình đang được cải thiện."
[Các nghiệp đoàn Pháp kêu gọi đình công để phản đối cải cách hưu trí]
Sau 5 ngày đình công rải rác kể từ đầu năm 2023 đến nay, các cuộc đình công trong tuần này được cho là đánh dấu một giai đoạn mới của các nghiệp đoàn Pháp nhằm phản đối kế hoạch của chính phủ về cải cách chế độ hưu trí của chính phủ.
Các nghiệp đoàn cảnh báo sẽ "làm đất nước tê liệt" với các cuộc đình công luân phiên trong ngành giao thông công cộng trên cả nước trong nhiều tuần liên tiếp, bắt đầu từ ngày 7/3.
Các nghiệp đoàn đại diện cho công nhân làm việc trong mạng lưới đường sắt SNCF, tàu điện Paris và lĩnh vực năng lượng, có cả lọc dầu, đã lần đầu tiên kêu gọi đình công cuốn chiếu.
Tổng cộng 8 nghiệp đoàn lớn tại Pháp đã kêu gọi đình công.
Chính phủ Pháp đã phải đối mặt với làn sóng đình công trên cả nước kể từ khi trình bày kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu vào ngày 10/1 vừa qua, trong đó dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm lên 64 tuổi, cũng như kéo dài thời gian nộp các khoản đóng góp cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ.
Tổng thống Emmanuel Macron và nội các của ông cho rằng kế hoạch cải cách là cần thiết để ngăn chặn nguy cơ hệ thống lương hưu của nước này rơi vào thâm hụt vào năm 2030.
Trong khi đó, các nghiệp đoàn cho rằng các biện pháp đề xuất không công bằng đối với người lao động trình độ thấp làm các công việc nặng nhọc và bắt đầu đi làm sớm.
Giới quan sát nhận định, đối với Tổng thống Macron, cuộc đình công lần này như phép thử đối với khả năng tiến hành cải cách và giữ chi tiêu công trong tầm kiểm soát.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), là một trong những nước có độ tuổi nghỉ hưu thấp trong nhóm các nước công nghiệp, Pháp đang chi gần 14% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào trợ cấp lương hưu, nhiều hơn phần lớn những nước khác.
Việc điều chỉnh hệ thống trợ cấp hưu trí là trọng tâm trong chương trình cải cách của Tổng thống Macron khi ông lên nắm quyền vào năm 2017.
Tuy nhiên, ông đã tạm hoãn thúc đẩy kế hoạch này vào năm 2020 khi Pháp phải ứng phó với đại dịch COVID-19./.