Pháp hoãn tăng giá lương thực do ảnh hưởng cuộc biểu tình 'Áo vàng'

Nghiệp đoàn nông nghiệp lớn nhất nước Pháp (FNSEA) cảnh báo nông dân sẽ coi việc trì hoãn này là "một dấu hiệu thảm họa," và sẽ xuống đường biểu tình.
 Pháp hoãn tăng giá lương thực do ảnh hưởng cuộc biểu tình 'Áo vàng' ảnh 1Người biểu tình "Áo vàng" tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 1/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Pháp ngày 5/12 thông báo hoãn kế hoạch tăng giá lương thực tối thiểu cho đến đầu năm 2019.

Quyết định này được cho là nhằm "hạ nhiệt" căng thẳng do làn sóng biểu tình kéo dài trong nhiều tuần qua của những người đang vật lộn với cuộc sống "thắt lưng buộc bụng," tuy nhiên việc trì hoãn này lại vấp phải sự phản đối của nhiều nông dân.

Phát biểu trên truyền hình CNews, Bộ trưởng Nông nghiệp Didier Guillaume cho biết việc hoãn tăng giá lương thực tối thiểu đã được thảo luận tại cuộc họp nội các ngày 5/12, và chính phủ đã đưa ra quyết định trên là vì các cuộc biểu tình gây chấn động cả nước từ ngày 17/11.

Theo Bộ trưởng Guillaume, kế hoạch tăng giá lương thực sẽ được thực thi từ tháng 1/2019 hoặc tháng 2/2019, trước khi kết thúc các cuộc đàm phán về giá thường niên với các siêu thị hiện nay.

[Chính phủ Pháp cân nhắc khôi phục lại 'Thuế nhà giàu']

Nông dân Pháp từ lâu than phiền vì phải chịu thiệt hại bởi cuộc chiến về giá giữa các nhà bán lẻ, vốn có lợi cho người tiêu dùng nhưng gây thiệt hại cho các nhà sản xuất.

Họ đã tìm cách buộc chính phủ đặt ra các quy định để giải quyết vấn đề này. Vì vậy, Chính phủ Pháp có kế hoạch tăng mức giá lương thực tối thiểu thêm 10% và giới hạn chiết khấu ở mức 35% giá một sản phẩm và 25% tổng sản phẩm chiết khấu, nhằm tái cân bằng quan hệ thương mại, tăng thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, đối mặt với cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần qua của người dân phản đối tình trạng chi phí cuộc sống quá cao, chính phủ đã quyết định hoãn thực thi kế hoạch trên.

Trong phản ứng của mình, nghiệp đoàn nông nghiệp lớn nhất nước Pháp (FNSEA) cảnh báo nông dân sẽ coi việc trì hoãn này là "một dấu hiệu thảm họa."

Chủ tịch FNSEA Christiane Lambert cho biết nông dân sẽ xuống đường biểu tình vào tuần tới nhằm yêu cầu chính phủ "giữ lời" và ngừng áp thuế thái quá đối với người nông dân.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình sau ba tuần nổ ra các vụ biểu tình bạo lực trên khắp nước Pháp.

Những người biểu tình "Áo vàng" yêu cầu chính phủ phải có biện pháp hỗ trợ tài chính cho phần đông dân cư đang vật lộn với cuộc sống "thắt lưng buộc bụng."

Biểu tình dẫn tới bạo loạn khiến cộng đồng doanh nghiệp Pháp lo ngại thiệt hại lên tới hàng tỷ euro. Ít nhất 263 người bị thương trong các cuộc biểu tình.

Nhằm xoa dịu cơn giận của dư luận, Chính phủ Pháp đã đưa ra một số nhượng bộ như tạm dừng kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong vòng 6 tháng, hoãn tăng giá khí gas và điện, dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2019, trong vòng 3 tháng của mùa Đông.

Ngoài ra, kế hoạch siết chặt việc đánh giá kỹ thuật đối với ô tô, vốn nhằm vào các xe đời cũ gây ô nhiễm môi trường, cũng được hoãn trong vòng 6 tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.