Pháp: Người biểu tình đe dọa sẽ cản trở Vòng chung kết Euro 2016.

Đáp lại lời tuyên bố của Thủ tướng Manuel Valls kiên quyết thực hiện dự luật cải cách lao động, CGT cảnh báo sẽ tiếp tục tổ chức đình công và biểu tình, thậm chí đe dọa cản trở cả Euro 2016.
Người dân Pháp tham gia biểu tình tại Rennes ngày 26/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong những nỗ lực đàm phán mới nhất, Chính phủ Pháp và công đoàn CGT, một trong những công đoàn lớn nhất nước này đứng sau làn sóng biểu tình trong suốt thời gian vừa qua phản đối dự luật cải cách lao động mới, đã không thể tìm ra giải pháp cho tình hình căng thẳng hiện tại.

Kết thúc các cuộc đàm phán qua điện thoại với lãnh đạo các công đoàn ngày 29/5, Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố sẽ không nhượng bộ và kiên quyết thực hiện dự luật cải cách lao động gây tranh cãi.

Trong khi đó, CGT cảnh báo sẽ tiếp tục các kế hoạch đình công và biểu tình nhằm gây áp lực buộc chính phủ phải xem xét lại dự luật cải cách lao động được cho là có lợi cho giới chủ trong khi ảnh hưởng tới quyền của người lao động.

Công đoàn này đã tổ chức rất nhiều cuộc biểu tình, các cuộc đình công của công nhân đường sắt, phong tỏa các cơ sở lọc dầu và nhà máy điện hạt nhân nhằm gây áp lực cho chính phủ trong suốt hai tháng qua.

Việc tìm ra giải pháp cho những bất đồng giữa chính phủ và các công đoàn phản đối dự luật cải cách lao động càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2016) đang đến gần trong khi làn sóng biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Công đoàn Lực lượng công nhân (FO) thậm chí còn đe dọa sẽ gây cản trở tại sự kiện thể thao trọng đại do Pháp đăng cai tổ chức này.

Căng thẳng trong thời gian vừa qua đã khiến tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Manuel Valls giảm xuống 24%, mức thấp kỷ lục trong suốt thời gian ông lên nắm quyền.

Giữa những năm 90 của thế kỷ trước , nước Pháp cũng từng rơi vào thời kỳ bất ổn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ khi cựu Thủ tướng Alain Juppe nhất quyết không thay đổi dự luật cải cách hưu trí.

Tuy nhiên, sau đó ông Juppe cũng đã dần phải nhượng bộ sau nhiều tuần các công đoàn tổ chức đình công và biểu tình.

Năm 1996, ông Juppe cũng đã phải từ chức sau khi các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông này giảm xuống dưới 25%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục