Theo kết quả điều tra, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, tính đến tháng Sáu, cả nước đã phát hiện hơn 1.560 điểm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật; trong đó có khoảng 200 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật có mức độ rủi ro cao gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Thông tin tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội, ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, cho biết các loại hóa chất bảo vệ thực vật gồm rất nhiều chủng loại và nhiều dạng khác nhau (từ dạng thuốc, dạng bột, dạng ống, lẫn trong đất và các loại không còn nhãn mác đa chủng loại) tập trung chủ yếu ở các khu vực kho thuốc của ngành y tế trong chiến tranh; kho cũ của các hợp tác xã, các cơ sở và trong vườn hộ dân; tại các kho của Chi cục bảo vệ thực vật...
"Theo kết quả điều tra, khảo sát thống kê cho thấy, các kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu hiện đang lưu giữ khoảng 217 tấn, 37.000 lít hóa chất bảo vệ thực vật và 29 tấn vỏ bao bì. Các kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu hầu hết được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước, khi xây dựng chưa quan tâm đến việc xử lý kết cấu và không được quan tâm tu sửa, nên đều, đã và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng," ông Trung thông tin.
Vẫn theo ông Trung, ở Việt Nam, hóa chất bảo vệ thực vật đã được sử dụng từ những năm 40 của thế kỷ trước để phòng các loại dịch bệnh. Thế nhưng, những năm gần đây, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật đã tăng lên đáng kể về khối lượng và chủng loại, với hơn 1.000 loại khác nhau được lưu hành trên thị trường.
Điều đáng nói là, do việc "lạm dụng" hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất, sinh hoạt như thuốc diệt chuột, diệt gián-muỗi của Trung Quốc, thuốc trừ sâu... và nhiều loại thuốc không nhãn mác, không rõ nguồn gốc đã làm thoái hóa đất, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, không khí và ảnh hưởng đến hệ sinh thái, thậm chí là tính mạng con người.
"Thông thường, hóa chất gây ô nhiễm môi trường thông qua nhiều con đường như nước thải từ kho chứa thuốc khi có sự cố đổ vỡ hóa chất, cháy nổ, nước mưa chảy qua các kho chứa hóa chất bị xuống cấp; lượng thuốc còn dư đọng lại trong chai bị quăng xuống ao, hồ, sông hay lượng thuốc dư trong quá trình sử dụng quá nhiều liều lượng ngấm vào đất cũng như nước ngầm...," ông Trung phân tích.
Ngoài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, theo ông Trung, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu với bốn tính chất độc hại, khó phân hủy, khả năng di chuyển xa, tích lũy sinh học còn gây ra những ảnh hưởng có hại đối với khả năng sinh sản, sự phát triển, hệ thần kinh, tuyến nội tiết và hệ miễn dịch của con người và động vật có vú.
Thông tin thêm về việc tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, ông Hồ Kiên Trung cho biết, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các địa phương đã xử lý được 60 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật bị ô nhiễm nghiêm trọng, với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đạt gần 250 tỷ đồng. Mặc dù vậy, với số lượng các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đã phát hiện tính đến nay, thì việc xử lý là rất khó khăn.
Đưa ra khuyến nghị nhằm giải quyết khó khăn trên, ông Trung cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục nghiên cứu công nghệ xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với các khu vực tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; đồng thời điều tra, đánh giá bổ sung và cập nhật hiện trạng các khu vực ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước.
Ngoài ra, "chúng ta cũng cần tăng cường công tác chống nhập lậu hóa chất bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, hạn chế việc phát sinh các khu ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, cũng như kiểm soát và xử lý việc sử dụng, vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt...," ông Trung nhấn mạnh./.