Béo phì có thể được ngăn chặn bằng việc ăn thêm cơm gạo, theo một nghiên cứu được trình bày gần đây tại Hội nghị châu Âu về béo phì được tổ chức tại Glasgow.
Các chuyên gia nhận thấy những người theo chế độ ăn Nhật Bản hay chế độ ăn kiểu châu Á có ít khả năng mắc bệnh béo phì hơn những người sống ở các quốc gia có mức tiêu thụ gạo thấp.
Các nhà nghiên cứu cho biết chế độ ăn ít carbohydrate - trong đó gạo bị hạn chế tiêu thụ - là một chiến lược giảm cân phổ biến ở các quốc gia phát triển, nhưng tác động của gạo đối với chứng béo phì vẫn chưa được tìm hiểu rõ ràng.
Họ đã xem xét mức tiêu thụ gạo tính theo số gram/ngày/người và lượng calo tiêu thụ ở 136 quốc gia. Họ cũng xem xét dữ liệu về chỉ số khối cơ thể (BMI).
[Người dân Anh có nguy cơ béo phì do... thực phẩm khuyến mại]
Theo những phát hiện trong nghiên cứu, người Anh chỉ tiêu thụ 19 g gạo/ngày, thấp hơn hàng chục quốc gia khác, trong đó có Canada, Tây Ban Nha và Mỹ.
Nhóm nghiên cứu tính toán rằng việc gia tăng tiêu thụ gạo ngay cả ở mức khiêm tốn là 50 g/ngày/người cũng có thể làm giảm 1% tỷ lệ béo phì trên toàn cầu (từ 650 triệu người trưởng thành xuống 643,5 triệu).
Giáo sư Tomoko Imai thuộc Đại học nữ sinh Doshisha, Kyoto, Nhật Bản, người đứng đầu nghiên cứu này, cho biết: "Những mối liên hệ quan sát được cho thấy các quốc gia ăn cơm như một loại lương thực chính có tỷ lệ béo phì thấp. Do đó, chế độ ăn theo kiểu Nhật Bản hay kiểu châu Á dựa trên cơm gạo có thể giúp ngăn ngừa béo phì."
"Khi xét tới sự gia tăng tình trạng béo phì trên toàn thế giới, việc ăn nhiều cơm gạo hơn cần được khuyến khích nhằm chống lại béo phì ngay cả ở các nước phương Tây."
Giáo sư Imai cho rằng việc gạo có ít chất béo là một trong những lý do giải thích tại sao gạo có thể ngăn chặn béo phì, và nói thêm: "Có thể chất xơ, chất dinh dưỡng và các hợp chất thực vật có trong ngũ cốc nguyên hạt có thể gia tăng cảm giác no và ngăn không cho người ta ăn quá nhiều."
Các tác giả kết luận: "Tỷ lệ béo phì thấp hơn đáng kể ở các quốc gia tiêu thụ nhiều gạo, ngay cả khi các chỉ số về đời sống và kinh tế xã hội là như nhau."
Chủ tịch Diễn đàn béo phì quốc gia Tam Fry cho biết: "Hàng thế kỷ nay, chúng ta đã biết rằng người dân ở vùng viễn đông thường có xu hướng mảnh mai hơn người phương tây vì gạo là loại lương thực chính ở phương đông, nhưng hầu như không có chuyên gia nào về béo phì có thể đánh giá được lý do.
"Nghiên cứu mới này là công trình đầu tiên đưa ra giả thuyết rằng chúng ta có thể ngăn chặn béo phì bằng cách ăn thêm một lượng vừa phải"./.