Trong quý 1/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại với tổng trái phiếu các công ty huy động chỉ đạt 57,6 nghìn tỷ trên cả hai kênh phát hành riêng lẻ và công chúng. Như vậy, giá trị phát hành đã giảm khoảng 45% so với riêng tháng 12/2021.
Thông tin này được đưa ra tại diễn đàn “Phát triển Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả và bền vững,” ngày 19/5, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức
Nhận diện các điểm nghẽn
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết thị trường trái phiếu “hạ nhiệt” vì một số chính sách mới, trong đó phải kể đến Thông tư 16/2021/TTNHNN có hiệu lực kể từ 15/01/2022 với các quy định chặt chẽ hơn dành cho các tổ chức tín dụng trong việc mua-bán trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những vụ việc liên quan đến các vi phạm pháp lý trên thị trường vốn cùng những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua cũng tác động tạo nên “điểm nghẽn” trên thị trường.
[Tăng vốn, cổ tức và trái phiếu doanh nghiệp ‘nóng’ mùa đại hội cổ đông]
Theo ông Phòng, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi với mức tăng trưởng GDP trong quý 1 đã vượt mốc 5%. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% sẽ là thách thức lớn, khi cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, như giá cả hàng hóa-nguyên nhiên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, kênh vốn tín dụng tiếp cận khá khó khăn.
Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất đang có tín hiệu tăng lên, trong khi các gói hỗ trợ tài khóa-tiền tệ còn một số phần chưa thể tiếp cận, nhất là gói hỗ trợ cấp bù lãi suất chưa đi vào triển khai.
Do đó, vị lãnh đạo VCCI cho rằng cần phải có sự nhận diện đúng về vai trò dẫn vốn của kênh trái phiếu doanh nghiệp, từ đó có những giải pháp “trúng và đúng” để thúc đẩy thị trường phát hiệu quả và bền vững, đóng góp vài trò vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp cũng như tăng trưởng của nền kinh tế và hội nhập tài chính toàn cầu.
Cùng chung quan điểm, tiến sỹ Cấn Văn Lực, Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nhấn mạnh kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu là vô cùng quan trọng cho dòng vốn dài hạn của doanh nghiệp, do đó cần xây dựng hạ tầng điều tiết thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách lành mạnh.
“Vấn đề đặt ra là thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển tương đối nóng trong các năm qua nên cần có giải pháp để kiểm soát. Trong bốn tháng đầu năm, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã giảm, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp do các doanh nghiệp bất động sản phát hành đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy thị trường đang được kiểm soát chặt chẽ và đã giảm nhiệt,” ông Lực nói.
Củng cố niềm tin nhà đầu tư
Chỉ ra một số tồn tại, ông Hoàng Quang Phòng đánh giá với thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường vốn nói chung, hành lang pháp lý vẫn chưa hoàn toàn hoàn thiện đồng thời hạ tầng thị trường thiếu sự đồng bộ.
Do đó, các chủ trương chính sách cần theo hướng quản lý thị trường theo hướng sát sao, minh bạch, hiệu quả là hoàn toàn đúng đắn, song điều này sẽ khó tránh khỏi những tác động ngắn hạn đến thị trường.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Cấn Văn Lực cho rằng sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đòi hỏi những quy định pháp lý phải cao hơn.
Theo ông Lực, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro khi khối lượng phát hành riêng lẻ chiếm đa số (khoảng 94,5%). Hơn nữa, các tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản (hình thành trong tương lai), cổ phiếu (chưa niêm yết), quyền tài sản phát sinh…, rất khó xác định giá trị và thay đổi nhanh.
Mặt khác, năng lực và uy tín của chủ thể phát hành chưa được đảm bảo, dẫn tới những hành vi lách luật với các báo cáo tài chính, cáo bạch phát hành chưa đủ mức công khai và minh bạch (như trong thời gian qua).
“Thị trường đang thiếu vắng việc định hạng tín nhiệm, dẫn đến thiếu cơ sở đánh giá mức độ tín nhiệm hay rủi ro của tổ chức phát hành hoặc từng đợt phát hành,” ông Lực chỉ ra.
Để lành mạnh hóa thị trường, ông Cấn Văn Lực kiến nghị các cấp quản lý nên có cơ chế chính sách vừa kiến tạo phát triển, vừa kiểm soát được rủi ro trên thị trường. Trước mắt, cơ quan chức năng cần giải quyết dứt điểm các vụ việc vừa qua để củng cố niềm tin nhà đầu tư và tránh được những tiền lệ xấu.
Theo đó, ông Lực đề xuất các cấp có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với điều kiện mới của thị trường, cụ thể là sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định 156/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, rà soát Luật chứng khoán 2019 tiến tới sửa đổi đồng thời nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp…
“Đặc biệt, trái phiếu doanh nghiệp phát hành cần phải tăng chất lượng thông qua các quy định cụ thể hơn về quy mô, tần suất, điều kiện phát hành. Không những thế, quy định tài sản đảm bảo, bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu cần cân nhắc các mức độ phù hợp,” ông Lực nói.
Bên cạnh đó, ông Lực kiến nghị cần có quy định về định hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư dễ dàng xác định chất lượng doanh nghiệp, mức độ rủi ro của trái phiếu phát hành và các quy định nhằm đảm bảo các công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
Về cơ sở hạ tầng, ông Lực đề xuất thiết lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp tập trung với các quy định áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế cũng như nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu… đồng thời phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ như một chuẩn định hạng đối với trái phiếu doanh nghiệp.
Cuối cùng, vị tiến sỹ này nhấn mạnh đến việc hoàn thiện cơ chế và nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro thay vì các biện pháp hành chính như hiện nay.
Trước đề xuất trên, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần thiết phải thành lập riêng một Văn phòng trực thuộc Bộ tài chính về xếp hạng tín nhiệm để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động, từ đó kiểm soát việc tuân thủ các quy định về xếp hạng tín nhiệm và việc áp dụng các phương pháp xếp hạng tín nhiệm.
“Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý kiểm soát được các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng,” ông Hiếu nói./.